Kế toán ngân hàng là công việc ghi chép, tổng hợp, tính toán và giải thích các nghiệp vụ về kinh tế, tài chính nhằm cung cấp thông cần thiết cho hoạt động tiền tệ tại các ngân hàng. Bài viết sau đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về vị trí việc làm kế toán ngân hàng như: đặc điểm, nghiệp vụ, mức lương… Bạn đọc hãy tham khảo để biết công việc này có phù hợp với bản thân không nhé!
Đặc điểm của kế toán ngân hàng
Ngoài những đặc điểm chung của lĩnh vực kế toán thì kế toán ngân hàng còn có những đặc thù riêng mà các kế toán viên phải nắm rõ, đó là:
- Mang tính tổng hợp và tính xã hội cao: ngân hàng là nơi tập trung các hoạt động giao dịch tài chính giữa các cá nhân, doanh nghiệp. Vì thế, nhân viên kế toán ngân hàng phải tổng hợp, phản ánh chính xác tất cả các hoạt động giao dịch này.
- Các nghiệp vụ, quy trình được xử lý chặt chẽ: ngân hàng là nơi thường xuyên phát sinh các giao dịch tiền tệ lớn. Vì vậy, nghiệp vụ kế toán ngân hàng phải theo quy trình chuẩn để đảm bảo tính minh bạch, an toàn.
- Mang tính chính xác và cập nhật cao: đây là yêu cầu chung của vị trí kế toán nhưng đặc biệt khắt khe với người làm kế toán tại ngân hàng. Vì các biến động về dòng tiền, giao dịch tài chính thường xuyên xảy ra nên mọi ghi chép và cập nhật phải đảm bảo chính xác và kịp thời.
- Khối lượng chứng từ lớn và phức tạp: vì có rất nhiều giao dịch diễn ra thường xuyên nên kế toán viên phải phân tích, tổng hợp và quản lý lượng chứng từ vô cùng lớn và khá rắc rối. Các giấy tờ kèm theo mỗi loại giao dịch là khác nhau nên các giấy tờ kèm theo cũng hết sức phức tạp.
Các nghiệp vụ của kế toán ngân hàng
Nghiệp vụ kế toán là những kỹ năng, kiến thức chuyên môn mà kế toán viên cần có để đáp ứng yêu cầu từng nhiệm vụ cụ thể. Mỗi nghiệp vụ kế toán ngân hàng sẽ đáp ứng yêu cầu từng vị trí công việc cụ thể trong lĩnh vực.
Sau đây là 9 nghiệp vụ cơ bản của nghề kế toán ngân hàng mà bạn nên biết:
Nghiệp vụ về ngân quỹ, thanh toán trong ngân hàng
Nghiệp vụ về ngân quỹ, thanh toán trong ngân hàng liên quan trực tiếp đến quỹ tiền của ngân hàng, bao gồm tiền gửi, tiền mặt, ngoại tệ. Các chứng từ liên quan đến nghiệp vụ này thường là séc, các loại phiếu thu, phiếu chi, hối phiếu, giấy nộp/nhận tiền,…
Nghiệp vụ về tín dụng, đầu tư tài chính
Nghiệp vụ về tín dụng, đầu tư tài chính phục vụ cho các hoạt động liên quan bảo lãnh, chiết khấu, cho thuê/vay tài chính.
Nghiệp vụ về thanh toán, tín dụng quốc tế
Nghiệp vụ về thanh toán, tín dụng quốc tế áp dụng cho các giao dịch thanh toán quốc tế. Các phương thức thanh toán phổ biến của nghiệp vụ này gồm chuyển tiền qua thư, điện chuyển hoặc tín dụng thư.
Nghiệp vụ về kế toán TSCĐ -CCDC
Nghiệp vụ về kế toán tài sản cố định (TSCĐ), công cụ, dụng cụ: liên quan các công việc quản lý và kiểm kê TSCĐ của ngân hàng. Kế toán viên cần theo dõi các biến động chi phí tăng/giảm, khấu hao, chi phí sửa chữa tài sản,…
Nghiệp vụ về thanh toán vốn giữa những ngân hàng
Ngoài các giao dịch với khách hàng cá nhân, doanh nghiệp thì giữa các ngân hàng cũng có giao dịch nội bộ với nhau. Kế toán viên cần tổng hợp các số liệu thanh toán bù trừ, liên chi nhánh và các giao dịch điện tử liên ngân hàng.
Nghiệp vụ về kinh doanh vàng, đá quý, ngoại tệ:
Nghiệp vụ về kinh doanh vàng, đá quý, ngoại tệ là công việc thống kê và hạch toán các hoạt động kinh doanh vàng, các loại đá quý hoặc ngoại tệ.
Nghiệp vụ về nguồn vốn chủ sở hữu
Nghiệp vụ về nguồn vốn chủ sở hữu là việc thống kê và lập báo cáo tài chính về biến động và sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trong ngân hàng.
Nghiệp vụ về thu – chi và kết quả kinh doanh
Nghiệp vụ về thu – chi và kết quả kinh doanh là công việc về thống kê, ghi chép chứng từ kế toán về các hoạt động tiền tệ giúp ngân hàng có thể đầu tư và cho vay để thu lợi nhuận.
Báo cáo tài chính và kế toán
Báo cáo tài chính và kế toán là nghiệp vụ về ghi chép, tổng hợp các số liệu tài chính, kế toán và lập báo cáo tài chính cho ngân hàng.
Công việc của kế toán ngân hàng
Nhân viên kế toán là những người làm việc trực tiếp với các số liệu tài chính, tiền tệ trong ngân hàng. Cụ thể, công việc của một kế toán ngân hàng bao gồm:
- Kiểm tra, lập bảng kê nộp séc, trình ký và đóng dấu để nộp về ngân hàng.
- Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của các yêu cầu thanh toán hay các lệnh chi tiền, giấy tờ ủy nhiệm chi, công văn mua ngoại tệ,… để nộp cho ngân hàng.
- Kiểm tra tính chính xác, hợp lệ của các chứng từ ngân hàng, định khoản và nhập dữ liệu vào phần mềm kế toán.
- Lập, kiểm tra, theo dõi các hồ sơ xin bảo lãnh ngân hàng.
- Lập hồ sơ vay vốn ngân hàng, trả nợ khoản vay ngân hàng.
- Kiểm tra số dư tiền gửi tại ngân hàng, đảm bảo nắm bắt kịp thời các biến động tăng giảm của tiền gửi. Báo cáo lên các cấp liên quan để kiểm soát và thực hiện kế hoạch dòng tiền.
- Chuẩn bị hồ sơ mở L/C (thư tín dụng), theo dõi tình hình mở thanh toán, ký hậu vận đơn gốc, bảo lãnh L/C.
- Thực hiện in bản kê, ký, chuyển đến các bộ phận liên quan.
- Sắp xếp, lưu trữ các loại chứng từ như giấy nộp tiền ngân sách nhà nước, biên lai thuế, ủy nhiệm chi,…
Mức lương ngành kế toán ngân hàng
Mức lương là vấn đề mà bất cứ ai có định hướng làm kế toán ngân hàng cũng quan tâm đến. Vậy thu nhập cụ thể cho vị trí nhân viên kế toán tại ngân hàng hiện nay là bao nhiêu? Sau đây là giải đáp:
- Mức lương thấp nhất: khoảng 3-5 triệu đồng/tháng ở vị trí kế toán chưa có kinh nghiệm. Vì vị trí kế toán đòi hỏi sự thành thục và khả năng làm việc thực tiễn nên lương khởi điểm không thể quá cao. Khi mới vào làm, ứng viên sẽ được đào tạo để thành thạo công việc. Sau khi được nhận làm chính thức và chứng minh năng lực tốt, mức lương của kế toán viên sẽ tăng nhanh chóng.
- Mức lương trung bình: khoảng 10.2 đồng/tháng khi bạn có kinh nghiệm từ 3-5 năm và thành thạo các nghiệp vụ kế toán. Bên cạnh đó, nếu bạn có năng lực ngoại ngữ phù hợp yêu cầu công việc thì thu nhập sẽ tăng thêm.
- Mức lương cho trưởng nhóm/quản lý: mức lương có thể đạt 20 triệu đồng/tháng đối với vị trí yêu cầu chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm.
- Mức lương kế toán trưởng: có thể lên đến 30 triệu đồng/tháng vì đây là vị trí quan trọng, chủ chốt của công ty. Tương ứng với thu nhập cao thì vị trí kế toán trưởng cũng có yêu cầu rất cao về bề dày kinh nghiệm, yêu cầu bằng cấp, chuyên môn, năng lực,…
Xem thêm: Tuyển sinh khóa học chứng chỉ kế toán trưởng online 2024
Ngoài ra, bạn đọc có thể tham khảo bảng thống kê thu nhập theo vị trí việc làm kế toán ngân hàng dưới đây để biết rõ hơn:
Vị trí công việc | Mức lương thấp nhất
(đơn vị: VNĐ) |
Mức lương cao nhất
(đơn vị: VNĐ) |
Thực tập/kiến tập | 3.000.000 | 5.000.000 |
Nhân viên chính thức (dưới 3 năm kinh nghiệm) | 7.000.000 | 10.000.000 |
Nhân viên/chuyên viên (3-5 năm kinh nghiệm) | 8.000.000 | 18.000.000 |
Trưởng nhóm/quản lý | 10.000.000 | 20.000.000 |
Kế toán trưởng | 18.000.000 | 30.000.000 |
Bảng liệt kê mức lương theo vị trí việc làm kế toán ngân hàng (tham khảo)
Kế toán ngân hàng là một vị trí việc làm mơ ước của rất nhiều bạn trẻ theo đuổi ngành học kế toán – kiểm toán. Tuy nhiên, để lựa chọn một công việc gắn bó lâu dài thì các bạn nên cân nhắc nhiều yếu tố như năng lực, sự phù hợp hay mức thu nhập thay vì chỉ chạy theo độ “hot” của công việc đó. Mong rằng những thông tin do Liên Việt Edu cung cấp có thể giúp bạn đọc đưa ra quyết định tốt nhất!