Trong những năm gần đây, ngành du lịch đang rất được các cơ quan ban ngành quan tâm và tạo điều kiện. Đặc biệt là du lịch nội địa nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế của đất nước cũng như quảng bá hình ảnh danh lam thắng cảnh của các địa phương. Nhờ đó mà ngành nghề kinh doanh du lịch lữ hành nội địa đang được các doanh nghiệp rất ưa chuộng.
Tuy nhiên, bất kể ngành nghề nào muốn kinh doanh cũng đều cần có điều kiện và phải được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động. Vậy giấy phép lữ hành nội địa là gì? Các doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện và thủ tục gì để được cấp giấy phép này. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Liên Việt để nắm được thông tin chi tiết và chính xác nhất.
1 Giấy phép lữ hành nội địa là gì?
Giấy phép lữ hành nội địa là một văn bản pháp lý của cơ quan có thẩm quyền cấp cho các doanh nghiệp muốn kinh doanh các hoạt động du lịch trong nước. Giấy phép này thể hiện tính hợp pháp, sự uy tín, chuyên nghiệp của công ty và tạo sự tin tưởng, đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Vậy muốn sở hữu được giấy phép này, các doanh nghiệp cần đáp ứng đủ những điều kiện gì và thủ tục xin cấp phép ra sao? Mời các bạn tiếp tục theo dõi qua nội dung dưới đây.
2 Điều kiện xin cấp giấy phép lữ hành nội địa
Theo Khoản 1 Điều 31 Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017 có quy định cụ thể về điều kiện cấp giấy phép dịch vụ lữ hành nội địa như sau:
“1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:
a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
b) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;
c) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.”
Như vậy, doanh nghiệp cần phải có đủ 3 tiêu chí cơ bản gồm: giấy phép kinh doanh đúng ngành nghề, vốn điều lệ và người đại diện có bằng cấp/chứng chỉ đúng chuyên ngành.
Đối với giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó phải thể hiện rõ ngành nghề thuộc nhóm lữ hành nội địa bao gồm: Dịch vụ tổ chức tour du lịch, đại lý du lịch và điều hành tour du lịch, …
Đối với người phụ trách hay người đứng đầu doanh nghiệp phải thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện: có bằng cấp thuộc ngành lữ hành hoặc chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về điều hành du lịch nội địa. Theo Điều 3 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL và Điều 1 Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL có quy định chi tiết về các chuyên ngành thuộc lữ hành bao gồm:
“a) Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
b) Quản trị lữ hành;
c) Điều hành tour du lịch;
d) Marketing du lịch;
đ) Du lịch;
e) Du lịch lữ hành;
g) Quản lý và kinh doanh du lịch;
h) Quản trị du lịch MICE;
i) Đại lý lữ hành;
k) Hướng dẫn du lịch;
l) Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành’, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực;
m) Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành quy định tại điểm l và điểm m khoản này thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.’’
Một số chứng chỉ về du lịch nội địa, bạn có thể đăng ký theo học và thi qua các Trung tâm hoặc Trường Đại học, Cao đẳng được cấp phép đào tạo theo quy định của nhà nước.
3 Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa
Theo Điều 32 Luật Du lịch số 09/2017/QH14 về hồ sơ, thủ tục, trình tự xin cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa sẽ bao gồm các bước:
- Chuẩn bị hồ sơ theo các văn bản mẫu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.
- Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền nơi doanh nghiệp có trụ sở.
- Thực hiện đóng lệ phí thẩm định theo quy định.
- Chờ thẩm định hồ sơ.
- Nhận giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa từ cơ quan cấp tỉnh.
Để hiểu rõ hơn về trình tự các bước thực hiện, mời bạn xem thêm phần thông tin chi tiết dưới đây.
Chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép kinh doanh lữ hành
Theo Khoản 1 Điều 32 Luật du lịch, hồ sơ xin cấp giấy phép bao gồm:
“a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
c) Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
d) Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
đ) Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 của Luật này.”
Theo đó, mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành được ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL.
>>>> Tải mẫu đơn tại đây.
Địa điểm nộp hồ sơ
Theo Mục a Khoản 2 Điều 32 Luật du lịch: “Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở”.
Như vậy, doanh nghiệp chỉ cần nộp 01 bộ hồ sơ đầy đủ đến cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh để xin xét duyệt cấp giấy phép. Bạn có thể nộp hồ sơ qua hai hình thức:
- Nộp trực tiếp tại Bộ phận một cửa và nhận giấy hẹn trả kết quả.
- Nộp gián tiếp qua đường bưu điện theo đúng địa chỉ cơ quan nhận.
Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích bạn nên qua nộp hồ sơ trực tiếp. Tại đây sẽ có cán bộ chuyên trách tiếp nhận, tránh gửi nhầm lẫn và không phải chờ đợi thêm nhiều ngày lưu chuyển.
Đóng phí theo quy định
Căn cứ vào Tiết 105 Tiểu mục C1 Mục C Chương II Phần II về thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, file đính kèm của Quyết định số 3684/QĐ-BVHTTDL: “Phí, lệ phí 3.000.000 đồng/giấy phép (Thông tư số 33/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)”.
Như vậy, lệ phí thẩm định để cấp giấy phép doanh nghiệp phải nộp theo quy định của nhà nước là 3.000.000 đồng. Sau khi xem xét hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ gửi thông báo nộp phí thẩm định cho doanh nghiệp để làm căn cứ thực hiện các bước tiếp theo.
Về hình thức đóng phí, bạn có thể chuyển khoản vào tài khoản Kho bạc nhà nước của tỉnh hoặc nộp trực tiếp tiền mặt tại phòng Tài chính nơi nộp hồ sơ.
Thời gian thẩm định hồ sơ
Theo Mục b Khoản 2 Điều 32 Luật du lịch: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
Theo đó, hồ sơ của bạn sẽ được thẩm định trong vòng 10 ngày trước khi trình Lãnh đạo ban ngành ký duyệt. Trong thời gian này, doanh nghiệp cũng cần theo dõi sát sao các văn bản gửi đến khi có yêu cầu bổ sung hồ sơ hoặc từ chối xét duyệt.
Nhận giấy phép lữ hành nội địa
Khi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên, sau 10 ngày làm việc doanh nghiệp sẽ nhận được giấy phép lữ hành nội địa từ cơ quan thẩm quyền cấp tỉnh. Hình thức nhận sẽ được gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ trụ sở đăng ký của doanh nghiệp hoặc nhận trực tiếp tại Bộ phận một cửa.
4 Một số câu hỏi thường gặp?
Trong quá trình thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép, chắc hẳn bạn cũng sẽ có nhiều thắc mắc cần giải đáp xung quanh vấn đề này. Chẳng hạn:
Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là gì?
Theo Điều 330 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 có nêu: “Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.”
Như vậy, có thể hiểu đơn giản ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là doanh nghiệp phải gửi một khoản tiền ký quỹ theo quy định của nhà nước vào ngân hàng nơi đóng trụ sở chính trong quá trình hoạt động.
Điều này để đảm bảo doanh nghiệp cần thực hiện các hoạt động theo đúng nghĩa vụ đã quy định đối với khách du lịch và cơ quan nhà nước. Trong trường hợp làm sai gây ra hậu quả nghiêm trọng, số tiền ký quỹ sẽ được sử dụng để thanh toán và bồi thường cho các bên thiệt hại.
Lệ phí xin giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa là bao nhiêu?
Như đã nêu ở trên, lệ phí xin cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch là 3.000.000 đồng/giấy phép. Doanh nghiệp cần thực hiện đóng đầy đủ phí trong thời gian quy định để tránh quá hạn giải quyết hồ sơ.
Trên đây là toàn bộ nội dung chi tiết về chủ đề “Giấy phép lữ hành nội địa là gì? Điều kiện và thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa?” Liên Việt đã tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp ích được cho bạn đọc khi có nhu cầu kinh doanh ngành nghề này.
Ngoài ra, để tìm hiểu thêm về các tuyến điểm du lịch hấp dẫn và lên kế hoạch cho chuyến du lịch của khách hàng, bạn có thể tham khảo bài viết tuyến du lịch là gì. Bài viết này giới thiệu khái niệm tuyến điểm du lịch, đặc điểm của tuyến điểm du lịch và một số tuyến điểm du lịch đáng đi nhất như Huế, Đà Nẵng, Sapa, Phú Quốc, Đà Lạt.