Hướng dẫn viên du lịch có vai trò gì đối trong ngành du lịch? Để trở thành hướng dẫn viên du lịch cần bằng cấp gì? Hướng dẫn viên du lịch cần những kỹ năng gì? Mời bạn đọc theo dõi nội dung bài viết để nắm được những thông tin mới nhất.
1 Hướng dẫn viên du lịch là gì?
Khái niệm hướng dẫn viên du lịch là người làm trong ngành dịch vụ du lịch, sử dụng ngôn ngữ để giới thiệu, giải thích ý nghĩa của các di sản văn hóa, thắng cảnh, di tích hay địa điểm mà du khách đến thăm. Hiểu đơn giản hướng dẫn viên là người thực hiện các điều khoản được thỏa thuận trong hợp đồng cung ứng dịch vụ lữ hành, giúp doanh nghiệp thu được lợi nhuận kinh tế và giúp du khách có hiểu biết về địa điểm du lịch.
Hướng dẫn viên du lịch được chia làm 2 nhóm phổ biến nhất là hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Ngoài ra còn có hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Khái niệm về các loại hướng dẫn viên du lịch được hiểu như sau:
- Hướng dẫn viên du lịch quốc tế là gì? Là người Việt Nam sử dụng ngoại ngữ để thuyết minh, hướng dẫn cho khách du lịch nước ngoài.
- Hướng dẫn viên du lịch nội địa là gì? Là người Việt Nam sử dụng tiếng Việt để thuyết minh, hướng dẫn cho đối tượng khách du lịch trong nước.
- Hướng dẫn viên du lịch tại điểm là gì? Còn có thể gọi là thuyết minh viên. Là người hoạt động hướng dẫn viên trong một khu vực cố định. Đáp ứng các điều kiện về hành nghề tại các khu vực, điểm du lịch đó.
Vai trò của hướng dẫn viên du lịch
Hướng dẫn viên ngoài công việc chính là cầu nối đem lại lợi ích về kinh tế cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin cho du khách… còn đóng vai trò rất quan trọng. Có thể nói, hướng dẫn viên có vai trò như một đại sứ, là người đại diện, thay mặt cho đất nước, doanh nghiệp lữ hành đón tiếp khách du lịch.
Trách nhiệm của hướng dẫn viên du lịch đối với du khách
- Vai trò của người hướng dẫn viên như cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia khác, là cầu nối để du khách tiếp cận đa dạng các nền văn hóa.
- Người hướng dẫn viên còn đóng vai trò như một người bạn đồng hành cùng du khách suốt chuyến tham quan, lo toan toàn bộ hoạt động ăn uống, mua sắm, nghỉ ngơi…
Trách nhiệm của hướng dẫn viên du lịch đối với doanh nghiệp
- Hướng dẫn viên là người tạo quan hệ từ các nguồn khách hàng khác nhau. Khi du khách hài lòng với dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và xây dựng hình ảnh đẹp về đất nước con người Việt Nam.
- Hướng dẫn viên còn là người đại diện, đứng ra dàn xếp, giải quyết và xử lý các tình huống để du khách yên tâm tiếp tục hành trình.
- Là người truyền tải thông tin, quảng bá hình ảnh thương hiệu về du lịch quốc gia cho doanh nghiệp, địa phương.
- Ngoài ra, hướng dẫn viên còn đóng vai trò là người trực tiếp nhận phản hồi của khách về chất lượng dịch vụ. Từ đó nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của khách hàng và đem về những phản hồi chân thực nhất cho doanh nghiệp.
Nhiệm vụ công việc của dẫn viên du lịch
Nhiệm vụ công việc của hướng dẫn viên du lịch là giới thiệu, hướng dẫn các loại hình du lịch cho khách du lịch theo mục đích cụ thể đã được khách hàng và doanh nghiệp du lịch ký kết và thỏa thuận trong hợp đồng. Cụ thể, công việc của một hướng dẫn viên bao gồm:
- Tiếp nhận tour du lịch từ điều hành viên: Nghiệp vụ đầu tiên mà hướng dẫn viên phải làm là tiếp nhận tour từ nhân viên điều hành. Hướng dẫn viên sẽ là người thực hiện các công việc về hồ sơ, hợp đồng du lịch. Họ cung cấp cho khách hàng dịch vụ mà công ty cam kết sẽ cung cấp.
- Sắp xếp hành trình: Hướng dẫn viên bắt đầu sắp xếp việc kiểm tra thông tin khách hàng, kiểm tra phương tiện, chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết… Có nhiệm vụ giúp cho chuyến đi trở nên vui vẻ, không nhàm chán mà vẫn đảm bảo trong vai trò quản lý và cung cấp thông tin bổ ích.
- Theo dõi quá trình cung ứng với đối tác: Vai trò của hướng dẫn viên du lịch là theo dõi, giám sát cách đối tác phục vụ khách du lịch. Họ có đảm bảo và đáp ứng những yêu cầu cần thiết và ý nghĩa của chuyến đi không. Trên cơ sở đó, Hướng dẫn viên sẽ có những đánh giá, góp ý cụ thể với các đơn vị cung cấp dịch vụ để từ đó đề xuất các phương án xử lý, cải thiện tốt hơn trong các hành trình tiếp theo.
- Xử lý tình huống phát sinh: Những sự cố hay tình huống phát sinh trong chuyến du lịch là điều khó tránh khỏi. Hướng dẫn viên du lịch là người giải quyết các vấn đề phát sinh trong suốt hành trình. Làm cho cuộc hành trình dễ dàng và thú vị.
- Tiếp thu phản hồi của khách hàng và báo cáo lại: Những gì hướng dẫn viên làm trong quá hướng dẫn cần được ghi lại và đánh giá hiệu quả. Một trong những yếu tố quan trọng là tiếp thu và đánh giá thái độ, phản hồi của khách hàng.
2 Hướng dẫn viên du lịch cần học những gì?
Điều kiện để trở thành hướng dẫn viên du lịch đầu tiên đó chính là đáp ứng các điều kiện về bằng cấp, chứng chỉ, thẻ hành nghề. Tùy thuộc vào loại hình hướng dẫn viên du lịch sẽ có những điều kiện khác nhau. Bạn đọc có thể tham khảo bài viết Chứng chỉ hành nghề hướng dẫn viên du lịch để nắm rõ hơn.
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện trên thì bạn cần có những tố chất, phẩm chất, kỹ năng cần thiết. Bạn cần rèn luyện cho mình những tố chất sau đây:
- Thân thiện: Trong quá trình giao tiếp giữa các cá nhân, sự thân thiện luôn mang lại những giá trị tích cực. Hướng dẫn viên thân thiện tạo thiện cảm cho du khách, giúp thu hẹp khoảng cách và tạo nên những cuộc trò chuyện thú vị hơn.
- Tinh tế: Hướng dẫn viên có khả năng quan sát nhạy bén nên có thể nắm bắt tốt cảm xúc của khách dù có nhiều người đi cùng nhau, để từ đó điều chỉnh hành động, ứng xử nhằm mang lại sự hài lòng cho khách hàng.
- Hài hước: Hãy phá vỡ sự im lặng của cuộc hành trình bằng những câu chuyện hài hước. Khi sự hài hước của bạn được đặt đúng chỗ, đúng hoàn cảnh, du khách sẽ tương tác tốt hơn và vui vẻ hơn.
- Linh hoạt: Sự linh hoạt trong ngôn ngữ và cách giải quyết tình huống làm cho hướng dẫn viên du lịch trở nên khác biệt và tour du lịch trở nên hoàn hảo hơn.
Bạn muốn học hướng dẫn viên, hãy đọc bài viết “hướng dẫn viên du lịch thi khối nào” để biết thông tin chi tiết về khối học, các trường đào tạo hướng dẫn viên trên toàn quốc cũng như mức điểm chuẩn của ngành này.
Tiêu chuẩn về ngoại hình đối với hướng dẫn viên du lịch
Có rất nhiều câu hỏi đặt ra về các yêu cầu đối với hướng dẫn viên du lịch? Những yêu cầu về ngoại hình, yêu cầu chiều cao của hướng dẫn viên du lịch luôn được nhiều người quan tâm.
Các tiêu chuẩn về ngoại hình đối với hướng dẫn viên du lịch không bắt buộc nhưng là yếu tố cần lưu tâm. Đặc trưng của nghề hướng dẫn viên là phải đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người nên nếu bạn chăm chút về ngoại hình sẽ là điểm cộng trong quá trình làm việc.
Người hướng dẫn viên không cần phải có một chiều cao lý tưởng hay một khuôn mặt đẹp… Tuy nhiên cần lưu ý tới một số yếu tố sau:
- Trang phục: Phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng khách hàng. Cần giữ sự gọn gàng, chỉn chu trong trang phục và phải phù hợp với địa chỉ, thời tiết và phong tục văn hóa của từng khu vực.
- Vệ sinh cơ thể: Đây là một điều quan trọng cần lưu ý. Hướng dẫn viên cần giữ cơ thể sạch sẽ, hơi thở không có mùi khó chịu trong mọi hoàn cảnh. Những chi tiết nhỏ như vệ sinh đầu tóc, móng tay, răng miệng… cũng góp phần đem lại sự hài lòng cho khu khách và cảm thấy bạn tôn trọng khách hàng.
- Trang điểm: Nữ hướng dẫn viên nên biết cách trang điểm nhẹ nhàng để khuôn mặt tươi sáng, ưa nhìn và tạo thiện cảm với người tiếp xúc cũng như giúp cho bản thân tự tin hơn.
- Giày dép: Gây ảnh hưởng về cảm quan giống như trang phục và còn tác động trực tiếp tới sức khỏe của người hướng dẫn viên. Cần lưu ý chọn những đôi giày có kiểu dáng nhã nhặn, với chất liệu tốt, êm chân để đem lại sự thoải mái… đảm bảo sức khỏe, thể chất cho người hướng dẫn viên trong suốt lịch trình.
Phẩm chất, kỹ năng của hướng dẫn viên du lịch
Dù đang làm việc ở bất cứ ngành nghề nào thì bạn cũng cần có những phẩm chất, kỹ năng phù hợp để gắn bó và phát triển với nghề. Công việc của một hướng dẫn viên du lịch thường xuyên tiếp xúc và làm việc với rất nhiều đối tượng khách hàng.
Những phẩm chất của hướng dẫn viên du lịch được hình thành và củng cố trong suốt thời gian hoạt động, cụ thể như sau:
- Trung thành với quyền lợi đất nước, của đơn vị; luôn có ý thức được hoạt động du lịch nhằm phục vụ đường lối, chính sách của Đảng và chính phủ.
- Có tư tưởng vững vàng, quán triệt sâu sắc đường lối mở cửa và phát triển kinh tế của Đảng, Chính phủ, nắm vững chủ trương, phương hướng phát triển kinh tế của nhà nước, của ngành.
- Có trách nhiệm cao, trung thực trong công tác. Vì phải đi công tác độc lập, ít chịu sự kiểm soát của đơn vị nên người hướng dẫn viên phải tự giác và có lòng tự trọng cao.
- Luôn thể hiện rõ truyền thống của dân tộc, đơn vị, giữ gìn và phát huy các truyền thống đó.
- Có lối sống lành mạnh, giữ gìn bản sắc dân tộc, thuần phong mỹ tục để du khách hiểu rõ và tôn trọng; tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách.
Để trở thành một hướng dẫn viên du lịch giỏi, bạn cần có những kỹ năng:
- Kỹ năng giao tiếp của hướng dẫn viên du lịch: Là kỹ năng cần có đầu tiên để trở thành hướng dẫn viên. Kỹ năng này sẽ giúp hướng dẫn viên làm tốt vai trò của mình cũng như đem lại cơ hội thăng tiến.
- Kỹ năng thuyết trình: Hướng dẫn viên là người đồng hành và truyền tải thông tin cho du khách. Việc sắp xếp nội dung, sử dụng phương thức thuyết trình sẽ giúp du khách không bị nhàm chán.
- Kỹ năng xử lý tình huống: Trong quá trình dẫn tour sẽ có nhiều tình huống phát sinh. Khi đó hướng dẫn viên phải phản ứng nhanh để xử lý, khắc phục tình huống nhanh chóng.
- Kỹ năng ngoại ngữ: Đây là yếu tố giúp người hướng dẫn viên mở rộng cơ hội thăng tiến.
- Kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ: Những cử chỉ, ánh mắt của hướng dẫn viên đều thể hiện sự giao tiếp, thái độ làm việc. Vì thế cũng cần lưu ý sử dụng ngôn ngữ cơ thể để đem đến sự hài lòng cho du khách.
- Kỹ năng tổ chức, làm việc nhóm: Dựa theo đặc điểm của tour du lịch, hướng dẫn viên cần có thêm những lịch trình riêng để tạo không khi vui vẻ, kích thích tinh thần cho du khách.
- Kỹ năng kiểm soát cảm xúc: Đây là kỹ năng cần có, thể hiện sự chuyên nghiệp của hướng dẫn viên. Việc gạt bỏ cảm xúc các nhân và xử lý công việc trong tâm thể vui vẻ, nhiệt tình sẽ giúp du khách hài lòng và trách được những tình huống xấu.
- Kỹ năng sử dụng phương tiện truyền thông: Một kỹ năng bổ trợ cần thiết giúp tăng năng suất làm việc. Ngày nay, một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp ngoài kỹ năng dẫn tour, thông thạo ngoại ngữ còn cần phải có các kỹ năng khác như: mạng xã hội, truyền hình, quay phim, chụp ảnh… để chuyến đi thành công tốt đẹp.
Bạn đang mơ ước trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp? Hãy cùng tìm hiểu thêm về những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thành công trong nghề nghiệp này. Bài viết nghiệp vụ hướng dẫn du lịch sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, quy trình nghiệp vụ và các khóa học chuyên nghiệp.
3 Ngành hướng dẫn viên du lịch ra trường làm gì?
Hướng dẫn viên du lịch là một trong những nghề được giới trẻ yêu thích nhất hiện nay, đòi hỏi nguồn nhân lực dồi dào. Theo ước tính, ngành du lịch Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng hơn 8,9% trong mười năm qua, gấp 1,5 lần mức trung bình của thế giới.
Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể làm ở nhiều vị trí:
- Hướng dẫn viên du lịch: Tư vấn và hướng dẫn khách du lịch tại các điểm du lịch, tổ chức và dẫn đoàn du lịch.
- Nhân viên kinh doanh du lịch: Tìm kiếm và giới thiệu các sản phẩm du lịch cho khách hàng.
- Quản lý khách sạn: Quản lý hoạt động của khách sạn, chăm sóc khách hàng và xử lý khiếu nại.
- Chuyên viên tổ chức sự kiện du lịch: Tổ chức và quản lý các sự kiện du lịch như hội nghị, tham quan, vui chơi giải trí.
- Tư vấn du lịch: Gợi ý, giới thiệu sản phẩm du lịch, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ khách hàng lựa chọn hành trình.
- Nhân viên Marketing du lịch: Thực hiện các hoạt động tiếp thị và quảng bá sản phẩm du lịch.
- Nhân viên bán vé máy bay/xe lửa: Bán vé máy bay và hỗ trợ khách hàng đặt vé máy bay hoặc vé tàu.
Mức lương trong ngành du lịch Việt Nam có thể thay đổi tùy theo vị trí và khả năng của người lao động. Mức lương ban đầu của nhân viên sản xuất, kinh doanh du lịch Việt Nam dao động từ 8 triệu đến 15 triệu đồng/tháng. Nhân viên có kinh nghiệm và trình độ cao hơn có thể nhận mức lương cao hơn. Mức lương của hướng dẫn viên cũng không cố định, bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn tại bài viết “lương của hướng dẫn viên du lịch“.
Qua bài viết trên hy vọng đã giúp bạn đọc nắm được thông tin hướng dẫn viên du lịch cần những gì, những yêu cầu, điều kiện làm hướng dẫn viên du lịch. Từ đó có kế hoạch rèn luyện bản thân và bổ sung những tố chất, kỹ năng cần thiết để phát triển tốt hơn trong ngành du lịch.