Bạn mong muốn trở thành kế toán trưởng nhưng chưa tự tin về hiểu biết của mình đối với vị trí việc làm? Bạn đang được cấp trên đề bạt lên vị trí kế toán trưởng nhưng không chắc mình có thể đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp? Bài tổng hợp thông tin về chức vụ kế toán trưởng dưới đây của Liên Việt nhất định sẽ giúp ích cho bạn. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
1 Kế toán trưởng là gì?
Kế toán trưởng (Chief Accountant) là người quản lý đứng đầu bộ máy kế toán của một tổ chức/doanh nghiệp. Người này có vai trò điều hành, định hướng công tác kế toán, chiến lược tài chính và giúp nhà lãnh đạo nắm rõ tình hình thu chi của đơn vị đó.
Vị trí việc làm kế toán trưởng được quy định chi tiết tại Điều 54 Luật Kế toán 2015, như sau:
- Kế toán trưởng là người giữ vị trí đứng đầu trong bộ máy kế toán của một đơn vị, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các công tác về kế toán.
- Kế toán trưởng làm việc tại các đơn vị/tổ chức do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì giữ thêm trách nhiệm giám sát tài chính tại đơn vị đó.
- Kế toán trưởng chịu sự lãnh đạo của người đại diện pháp luật đơn vị kế toán, đồng thời chịu sự chỉ đạo của kế toán trưởng tại đơn vị kế toán cấp trên (nếu có).
- Nếu đơn vị kế toán muốn cử người phụ trách kế toán thay cho kế toán trưởng: Người phụ trách này phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 54 Luật kế toán 2015. Đồng thời, người này phải thực hiện đủ trách nhiệm và quyền quy định cho kế toán trưởng tại Điều 55 của Luật Kế toán 2015.
2 Quy định chung về kế toán trưởng
Sau đây là chi tiết về các quy định chung đối với vị trí việc làm kế toán trưởng, căn cứ theo quy định của Luật Kế Toán hiện hành:
Điều kiện để trở thành kế toán trưởng
Điều kiện để trở thành kế toán trưởng được quy định tại Khoản 1 Điều 51, Điều 54 của Luật Kế toán 2015, bao gồm:
- Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, liêm khiết, trung thực và có ý thức chấp hành pháp luật.
- Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kế toán đáp ứng yêu cầu công việc.
- Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán đạt trình độ trung cấp trở lên.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng theo chuẩn quy định của Bộ Tài chính.
- Có thời gian công tác thực tế về lĩnh vực kế toán từ đủ 02 năm đối với người tốt nghiệp đại học trở lên và có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán; từ đủ 03 năm trở lên đối với người tốt nghiệp trình độ trung cấp/cao đẳng và có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán.
Đối tượng không được trở thành kế toán trưởng
Người đáp ứng đủ điều kiện trở thành kế toán trưởng nhưng nằm trong các trường hợp không được làm kế toán (quy định tại Điều 52 Luật Kế toán 2015, Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP) thì vẫn không thể đảm nhiệm vị trí này. Theo đó, 08 nhóm đối tượng không được trở thành kế toán trưởng bao gồm:
- Người chưa thành niên.
- Người bị Tòa án hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
- Người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc.
- Người đang trong thời gian bị Tòa án cấm hành nghề kế toán.
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật nước ta.
- Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc bị kết án và chưa được xóa án tích về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan tới tài chính, kế toán.
- Cha hoặc mẹ đẻ, cha hoặc mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ hoặc con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện pháp luật, người đứng đầu, giám đốc/tổng giám đốc & của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc/phó tổng giám đốc phụ trách kế toán – tài chính, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán.
(Trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH do 1 cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có yếu tố nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ thì không áp dụng quy định này). - Người đang đảm nhiệm vị trí quản lý, điều hành, thủ quỹ, thủ kho, người thực hiện nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán.
Quyền hạn, trách nhiệm của kế toán trưởng
Trách nhiệm:
- Thực thi các quy định về kế toán, tài chính trong đơn vị kế toán theo quy định pháp luật.
- Tổ chức điều hành bộ máy kế toán tuân thủ theo quy định của Luật Kế Toán.
- Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và các chuẩn mực kế toán.
Quyền lợi của kế toán trưởng: Độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.
Quyền lợi khác đối với kế toán trưởng làm việc tại cơ quan nhà nước, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn điều lệ thuộc Nhà nước nắm giữ:
- Có quyền ý kiến bằng văn bản tới người đại diện pháp luật về việc tuyển dụng, thuyên chuyển, tăng lương, kỷ luật, khen thưởng đối với người làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ.
- Yêu cầu các bộ phận khác cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu liên quan đến công việc kế toán, giám sát tài chính của kế toán trưởng.
- Được bảo lưu ý kiến chuyên môn bằng văn bản khi khác với ý kiến của người ra quyết định.
- Báo cáo bằng văn bản cho người đại diện pháp luật nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong đơn vị. Trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì kế toán trưởng báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định hoặc báo cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kế toán trưởng không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.
3 Chức năng nhiệm vụ của kế toán trưởng
Kế toán trưởng chính là người lãnh đạo giúp bộ máy kế toán có sự phân công, phối hợp và vận hành hiệu quả nhất. Sau đây là chi tiết về chức năng của kế toán trưởng trong doanh nghiệp:
- Quản lý phòng kế toán: Chỉ đạo, quản lý, phân công nhằm đảm bảo hiệu suất hoạt động liên quan đến tài chính của bộ phận kế toán. Một số công việc cụ thể như lập biểu mẫu tài liệu, giấy tờ liên quan tài chính; tổ chức và quản lý các hoạt động kê khai tài sản, dòng tiền liên quan hoạt động kinh doanh theo định kỳ;…
- Giám sát sổ sách, báo cáo tài chính tuân thủ pháp luật: Thực hiện rà soát sổ sách kế toán nhằm đảm bảo tính chính xác, hợp pháp của sổ sách tài chính; kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề liên quan số liệu báo cáo theo đúng chức trách và đúng quy định pháp luật.
- Lập báo cáo tài chính cho doanh nghiệp: Trực tiếp triển khai hoặc giám sát các nhân viên kế toán lập báo cáo tài chính theo quý/năm; phối hợp với bộ phận kế toán để trình bày cho ban lãnh đạo/cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
- Phân tích và dự báo tài chính: Tham gia vào quá trình phân tích, dự báo nguồn tài chính dựa trên tình hình doanh nghiệp và điều kiện kinh tế – chính trị trong/ngoài nước.
- Tư vấn tài chính cho lãnh đạo: Dựa trên số liệu phân tích và dự báo cụ thể, kế toán trưởng đưa ra các giải pháp, kiến nghị về tài chính giúp nhà lãnh đạo đưa ra quyết định đầu tư, tăng giảm ngân sách, nguồn vốn, dự tính rủi ro,…
- Chịu trách nhiệm một số hoạt động về tài chính: Thực hiện giao dịch với ngân hàng, đưa tiến bộ kỹ thuật vào vận hành để giảm chi phí và tăng hiệu suất làm việc cho bộ phận kế toán,…
4 Vai trò của kế toán trưởng trong doanh nghiệp
Kế toán trưởng có vai trò quan trọng trong giám sát tài chính tại đơn vị kế toán, tiêu biểu là:
- Quản lý, theo dõi tình hình tài chính dựa trên các số liệu kế toán theo từng thời kỳ, giai đoạn để hiểu rõ thực trạng vận hành của doanh nghiệp.
- Tham mưu, đề xuất lên ban lãnh đạo về chiến lược tài chính, công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn của một cách hiệu quả, phù hợp.
- Quản lý, xử lý các hợp đồng kinh tế và các công việc liên quan nghiệp vụ chuyên môn kế toán theo quy định pháp luật.
- Phân tích, đánh giá tài chính các công trình, dự án trước khi trình lên ban lãnh đạo.
- Tham mưu với ban giám đốc, tổng giám đốc về các chế độ kế toán, thay đổi của chế độ qua từng thời kỳ trong các hoạt động kinh doanh của đơn vị.
- Đảm bảo nguồn vốn đối với các hoạt động trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Quản lý và đào tạo kế toán viên nhằm đảm bảo hiệu suất làm việc cho toàn bộ phận.
5 Yêu cầu cần có để trở thành kế toán trưởng
Kế toán trưởng là vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp, có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, bạn cần đáp ứng đủ các yêu cầu về học vấn, năng lực và kỹ năng để đảm nhiệm tốt vị trí này:
- Trình độ học vấn: Ưu tiên người đạt trình độ đại học trở lên chuyên ngành thuộc các lĩnh vực kế toán, kinh tế, tài chính hoặc quản trị kinh doanh. Ứng viên tốt nghiệp trung cấp/cao đẳng vẫn có thể ứng tuyển nhưng phải cạnh tranh gắt gao hơn.
- Kinh nghiệm: Tối thiểu phải đáp ứng theo điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 51, Điều 54 của Luật Kế toán 2015. Ưu tiên người có kinh nghiệm làm kế toán trưởng và thâm niên cao trong lĩnh vực kế toán (từ 3 năm trở lên).
- Kỹ năng: Thành thạo các kỹ năng cần thiết phục vụ yêu cầu công việc của một kế toán trưởng như kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng phân tích, kỹ năng toán học, kỹ năng tổ chức, kỹ năng giao tiếp,…
6 Quy trình để trở thành một kế toán trưởng
Kế toán trưởng đóng vai trò lãnh đạo bộ máy kế toán và chịu trách nhiệm tham mưu trực tiếp với ban quản trị cấp cao trong doanh nghiệp. Để bước lên vị trí này, bạn cần có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Ở mỗi giai đoạn sự nghiệp, kế toán viên cần những nỗ lực hoàn thiện và chứng minh năng lực để từ một nhân viên, bạn sẽ được bổ nhiệm vào vị trí kế toán trưởng.
Sau đây là lộ trình để trở thành một kế toán trưởng trong doanh nghiệp:
Kế toán bộ phận
Đây là vị trí đầu tiên bạn sẽ đảm nhận khi được vào làm tại bộ phận kế toán của doanh nghiệp. Các công việc chủ yếu lúc này là liên quan đến hóa đơn, chứng từ kế toán. Hầu hết nhân viên kế toán sẽ cần 2 – 3 năm cho vị trí này trước khi thăng lên cấp bậc tiếp theo. Các vị trí chuyên môn cụ thể mà bạn có thể đảm nhiệm bao gồm:
- Kế toán quỹ tiền mặt
- Kế toán kho
- Kế toán thanh toán
- Kế toán công nợ
- Kế toán thuế
- Kế toán thu chi
Kế toán tổng hợp
Kế toán tổng hợp (senior accountant) được xem là một nhân viên kế toán cấp cao. Công việc chính là phụ trách tổng hợp chứng từ, số liệu thống kê, thực hiện báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Kế toán tổng hợp cũng phát hiện và đề xuất lên cấp trên các vấn đề về tài chính từ góc nhìn của kế toán, thực hiện quản lý, hướng dẫn và giám sát các kế toán bộ phận.
Kế toán trưởng
Kế toán trưởng (chief Accountant) đảm nhiệm vị trí đứng đầu trong bộ phận kế toán. Trách nhiệm của kế toán trưởng là quản lý tất cả các nhân viên kế toán và chịu trách nhiệm cho các hoạt động liên quan đến tài chính, kế toán, thuế của cơ quan/doanh nghiệp. Yêu cầu kinh nghiệm kế toán với vị trí này dao động từ 3 – 10 năm hoặc có thể nhiều hơn tùy từng doanh nghiệp.
7 Kế toán trưởng lương bao nhiêu?
Mức lương của kế toán trưởng sẽ có chênh lệch đáng kể tùy từng doanh nghiệp. Đây là vị trí yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, đảm nhiệm chức trách lớn nên thu nhập cũng rất hấp dẫn.
Hiện nay, mức lương kế toán trưởng dao động phổ biến trong khoảng:
- Đạt 15 – 30 triệu/tháng đối với doanh nghiệp nhỏ.
- Đạt 30 – 70 triệu/tháng đối với doanh nghiệp tầm trung.
- Đạt 70 – 100 triệu/tháng đối với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó, thu nhập của kế toán trưởng còn phụ thuộc các yếu tố khác như: trình độ bằng cấp, chuyên môn nghiệp vụ, thâm niên công tác,…
8 Những câu hỏi thường gặp về kế toán trưởng
Ngoài những thông tin đã nêu, Liên Việt cũng tổng hợp một số thắc mắc hay gặp liên quan đến vị trí kế toán trưởng. Có thể hữu ích cho bạn:
Kế toán trưởng có được ủy quyền không?
Kế toán trưởng có thể ủy quyền cho người có đủ điều kiện (căn cứ theo quy định của Thông tư số 77/2017/TT-BTC), cụ thể như sau:
- Đối với kho bạc nhà nước cấp huyện chưa có phòng kế toán, có thể giao nhiệm vụ cho 1 cán bộ đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn để giúp việc cho Kế toán trưởng. Người này được phép thay mặt Kế toán trưởng giải quyết công việc khi được ủy quyền theo quy định và phải chịu trách nhiệm về các công việc thực hiện trong thời gian được ủy quyền (theo Khoản 5 Điều 79 thông tư này).
- Trường hợp Kế toán trưởng đang tạm thời vắng mặt ở đơn vị, phải ủy quyền bằng văn bản cho đối tượng có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thay thế, đồng thời phải được Giám đốc đơn vị kho bạc nhà nước duyệt (căn cứ theo Điều 84 thông tư này).
Kế toán trưởng có được làm thủ quỹ không?
Không chỉ kế toán trưởng mà bất cứ vị trí kế toán nào cũng không được làm thủ quỹ trong cùng một đơn vị kế toán. Trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH do 1 cá nhân làm chủ sở hữu & doanh nghiệp loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp rất nhỏ (theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, vừa).
(Các căn cứ pháp lý: Điều 52 Luật Kế toán 2015 và Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP).
Kế toán trưởng có quyền gì?
Quyền hạn của kế toán trưởng trong doanh nghiệp bao gồm:
- Quản lý các hoạt động của bộ phận kế toán trong phạm vi chức trách
- Giám sát việc quyết toán
- Kiểm tra tính hợp pháp trong sổ sách kế toán.
- Kiểm tra, giám sát việc báo cáo tài chính
- Tham gia phân tích và dự báo tài chính, gửi báo cáo và thuyết trình trước ban lãnh đạo
- Các nhiệm phụ khác theo yêu cầu cấp trên và phù hợp quy định pháp luật.
Có cần thi chứng chỉ kế toán trưởng hay không?
Câu trả lời là “CÓ” vì: Khoản 1 Điều 54 Luật Kế toán 2015 nêu rõ người đảm nhiệm vị trí kế toán trưởng bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng.
Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng là văn bằng được cấp sau khi học viên hoàn thành khóa đào tạo bồi dưỡng kế toán trưởng, chứng chỉ do Bộ Tài chính cấp và quản lý.
Hiện có rất nhiều cơ sở đào tạo và cấp chứng chỉ cho học viên đăng ký. Nhưng để đảm bảo nhận bằng chuẩn quy định và tránh tình trạng bị “độn” học phí, các bạn nên lựa chọn cơ sở uy tín, hoạt động công khai và đúng pháp luật.
Trung tâm Liên Việt là cơ sở đào tạo & cấp chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng trên toàn quốc, được Bộ tài chính cấp phép hoạt động, hoàn toàn đáng tin cậy. Mọi thông tin khóa học luôn được cung cấp đầy đủ, chính các, minh bạch bao gồm cả học phí. Học viên quan tâm đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua hotline: 1800 6581 để được giải đáp hoàn toàn miễn phí!
Trên đây là toàn bộ thông tin quan trọng về kế toán trưởng. Mong rằng bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ về vị trí việc làm này. Chúc các bạn kế toán viên làm việc hiệu quả và nhanh chóng thăng tiến lên vị trí kế toán trưởng mơ ước!