Kế toán là công việc thực hiện ghi chép, xử lý các giao dịch tài chính của doanh nghiệp, cơ quan. Một sai sót nhỏ trong kế toán cũng có thể gây ảnh hưởng to lớn đến tổ chức. Vì vậy, những nguyên tắc kế toán đã được thiết lập để đảm bảo tính chính xác, đáng tin cậy và minh bạch của thông tin tài chính. Vậy những nguyên tắc kế toán đó là gì? Mời cùng Liên Việt tìm hiểu!
1 Nguyên tắc kế toán là gì?
Nguyên tắc kế toán là một bộ những quy định được chuẩn mực hóa, quy ước hóa để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, kịp thời và đáng tin cậy của thông tin kế toán. Nói cách khác, nguyên tắc kế toán chính là những chuẩn mực, quy định chung mà bất kỳ kế toán viên nào cũng cần tuân thủ áp dụng trong công việc.
Quy định về nguyên tắc kế toán được nêu rõ tại Điều 6 Luật Kế toán 2015, cụ thể như sau:
- Giá trị tài sản & nợ phải trả sẽ được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nợ ban đầu, những tài sản hoặc nợ phải trả có giá trị biến động thường xuyên thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính (BCTC).
- Những quy định, phương pháp kế toán phải được áp dụng nhất quán trong suốt kỳ kế toán năm. Trường hợp muốn thay đổi quy định, phương pháp kế toán thì đơn vị kế toán phải thực hiện giải trình trong BCTC.
- Đơn vị kế toán phải thu thập, phản ánh một cách khách quan, đầy đủ, đúng thực tế và đúng kỳ kế toán mà nghiệp vụ tài chính, kinh tế phát sinh.
- Báo cáo tài chính phải được lập và gửi tới cơ quan có thẩm quyền đầy đủ, kịp thời và chính xác. Tất cả số liệu, thông tin trong BCTC được công khai theo đúng quy định tại các điều 31, 32 của luật Kế toán 2015.
- Đơn vị kế toán phải sử dụng phương pháp đánh giá tài sản & phân bổ khoản thu, chi một cách thận trọng, chính xác kết quả hoạt động tài chính, kinh tế của đơn vị kế toán.
- Quá trình lập, trình bày BCTC phải phản ánh đúng bản chất giao dịch hơn là tên gọi, hình thức của giao dịch.
- Đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng vốn nhà nước, ngoài thực hiện quy định tại các khoản nêu trên, còn phải thực hiện kế toán theo mục lục ngân sách nhà nước.
2 Tại sao cần tuân thủ các nguyên tắc kế toán?
Các nguyên tắc kế toán được thiết lập nhằm mục đích đảm bảo báo cáo tài chính phản ánh đầy đủ, chính xác, nhất quán và dễ hiểu nhất để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các bên liên quan như: chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan thuế, ngân hàng,…
Cụ thể hơn, việc tuân thủ các nguyên tắc kế toán là rất cần thiết vì:
- Tránh rủi ro về pháp luật: Nguyên tắc kế toán được chuẩn hóa giúp đảm bảo độ chính xác, đáng tin cậy của tính toán tài chính. Nhờ đó, doanh nghiệp/kế toán viên tránh khỏi rủi ro pháp lý vì những sai số/thiếu sót khi thực hiện báo cáo tài chính lên cấp có thẩm quyền.
- Đảm bảo tính minh bạch về số liệu: Áp dụng nguyên tắc kế toán giúp ngăn chặn tình trạng gian lận, tăng cường tính minh bạch trong báo cáo tài chính, trường hợp sai phạm sẽ dễ dàng bị phát hiện và xử lý kịp thời.
- Đảm bảo sự thống nhất: Việc áp dụng chung bộ nguyên tắc giúp cho các nhà đầu tư dễ dàng so sánh tình hình giữa các kỳ kế toán hoặc giữa các doanh nghiệp thông qua số liệu tài chính. Đây là cơ sở để nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt nhất.
- Tăng tính tin cậy với các báo cáo, sổ sách tài chính: Thực hiện kế toán một cách chuẩn hóa theo bộ nguyên tắc sẽ nâng cao uy tín của doanh nghiệp trong mắt người dùng/nhà đầu tư. Đồng thời, điều này cũng hỗ trợ doanh nghiệp quản lý tài chính thuận tiện và hiệu quả hơn.
3 7 nguyên tắc kế toán cơ bản theo chuẩn mực số 1
Sau đây là các nguyên tắc kế toán chung được thừa nhận, ban hành theo Quyết định 165/2002/QĐ-BTC:
Nguyên tắc cơ sở dồn tích
Nội dung nguyên tắc: Nguyên tắc kế toán dồn tích yêu cầu tất cả nghiệp vụ kinh tế, tài chính liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu & chi phí phải được ghi vào sổ kế toán tại thời điểm phát sinh, tức là thời điểm khoản tiền hoặc tương đương tiền được thu/chi.
Ý nghĩa: Nguyên tắc ghi nhận doanh thu trong kế toán khi đã thực hiện xong nghĩa vụ với khách hàng, bất kể khoản tiền đó đã được thu về hay chưa. Tương tự, doanh nghiệp phải ghi nhận chi phí khi đã phát sinh nghĩa vụ phải thanh toán cho nhà cung ứng, bất kể khoản tiền đó được chi hay không.
Nguyên tắc hoạt động liên tục
Nội dung nguyên tắc: Báo cáo tài chính được lập phải dựa trên cơ sở giả định là doanh nghiệp vẫn đang hoạt động bình thường trong tương lai gần. Tức là ghi nhận doanh nghiệp có khả năng thu hồi các khoản nợ phải trả, thực hiện cam kết và tiếp tục sử dụng các nguồn lực doanh nghiệp đang có. Kế toán không được lập quá khoản dự phòng và phải theo đúng nguyên tắc hoạt động.
Trường hợp thực tế khác với nguyên tắc giả định hoạt động liên tục (cụ thể là doanh nghiệp phải dừng/thu hẹp quy mô hoạt động), báo cáo tài chính sẽ được lập trên một cơ sở khác và phải giải thích cơ sở đã dùng để lập BCTC.
Ý nghĩa: Kế toán phải đánh giá các khoản dự phòng không được cao hơn giá trị tài sản và thu nhập cộng lại, cũng không được thấp hơn giá trị các khoản phải trả cộng chi phí. Doanh thu, thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng rõ ràng về khả năng thu được lợi ích kinh tế. Chi phí phát sinh cũng chỉ được ghi nhận khi có chứng minh cụ thể về khả năng phát sinh chi phí.
Nguyên tắc giá gốc
Nội dung nguyên tắc:
- Giá gốc của tài sản (tài sản cố định/hàng tồn kho) phải được ghi nhận theo giá trị tương ứng giá mua/giá trị giao dịch ban đầu.
- Tài sản được ghi nhận với giá mua ban đầu đã bao gồm cả giá mua cộng với chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản đó vào hoạt động.
- Giá gốc của tài sản không được phép thay đổi trừ khi có quy định khác theo chuẩn mực kế toán cụ thể.
Ý nghĩa: Nguyên tắc kế toán giá gốc giúp những người sử dụng báo cáo tài chính nhìn nhận rõ ràng hơn về số liệu tài chính, đảm bảo tính khách quan trong việc đánh giá tài sản và khoản nợ của doanh nghiệp.
Nguyên tắc phù hợp
Nội dung nguyên tắc:
- Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau.
- Mỗi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng và có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó.
- Chi phí tương ứng doanh thu bao gồm chi phí của kỳ tạo ra doanh thu & chi phí các kỳ trước hoặc chi phí phải trả liên quan đến doanh thu của kỳ đó.
Ý nghĩa: Chi phí phải được ghi nhận tại kỳ kế toán mà chúng liên quan đến việc tạo ra doanh thu (doanh thu và chi phí phải được ghi nhận trong cùng một kỳ kế toán). Nguyên tắc kế toán phù hợp là nguyên tắc cơ bản của kế toán, nó đảm bảo cho các kết quả kinh doanh được ghi nhận trong kỳ kế toán là chính xác và đáng tin cậy.
Nguyên tắc nhất quán
Nội dung nguyên tắc:
- Các chính sách, phương pháp kế toán phải được áp dụng ít nhất trong một kỳ kế toán năm.
- Trường hợp muốn thay đổi chính sách, phương pháp kế toán phải giải trình lý do và những ảnh hưởng của thay đổi đó trong thuyết minh báo cáo tài chính.
Ý nghĩa: Nguyên tắc nhất quán trong kế toán đảm bảo cho khả năng truy nguyên và tính so sánh được của thông tin tài chính. Doanh nghiệp sẽ thuận tiện so sánh thông tin tài chính giữa các kỳ kế toán hoặc so sánh với các doanh nghiệp khác. Qua đó, nhà quản trị dễ dàng đánh giá được tình hình tài chính của doanh nghiệp một cách chính xác, toàn diện.
Nguyên tắc thận trọng
Nội dung nguyên tắc: Kế toán viên phải thận trọng trong quá trình ghi nhận các thông tin kế toán, cần xem xét kỹ lưỡng để lập ước tính kế toán trong điều kiện không có sự chắc chắn.
- Không được lập các khoản dự phòng quá lớn.
- Không đánh giá quá mức giá trị tài sản, thu nhập.
- Không đánh giá thấp hơn những khoản phải trả cùng chi phí.
- Doanh thu, thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu lời kinh tế.
- Chi phí chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng xác thực về khả năng phát sinh chi phí.
Ý nghĩa: Nguyên tắc thận trọng xoay quanh quá trình thiết lập các khoản dự phòng, ghi nhận giá trị các khoản chi phí, doanh thu, tài sản, giá vốn và các yếu tố tương tự. Đây là nền tảng cho việc xác định giá trị tài sản và nợ, giúp nhà quản trị đưa ra quyết định về việc phân bổ lợi nhuận hay xác định các khoản lỗ.
Nguyên tắc trọng yếu
Nội dung nguyên tắc: Những thông tin trọng yếu phải được trình bày đầy đủ trong báo cáo tài chính. Trong đó, thông tin trọng yếu là những thông tin mà nếu bị khuyết hoặc thiếu chính xác có thể làm sai lệch đáng kể báo cáo tài chính, gây ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính.
Ý nghĩa: Nguyên tắc trọng yếu trong kế toán giúp đảm bảo báo cáo tài chính có thể cung cấp thông tin chính xác và có ích cho việc đưa ra các quyết định kinh tế. Ngoài ra, nó còn giúp loại bỏ những thông tin không quá cần thiết ra khỏi báo cáo tài chính, giúp nhà quản trị tập trung vào những thông tin thiết yếu có ảnh hưởng đến quyết định của họ.
4 Nguyên tắc kế toán bổ sung
Ngoài 07 nguyên tắc kế toán cơ bản được áp dụng trong mọi trường hợp, còn có 05 nguyên tắc kế toán bổ sung mà kế toán viên cần nắm được:
Nguyên tắc khách quan
Nguyên tắc khách quan trong kế toán yêu cầu báo cáo tài chính, tư liệu tài chính phải dựa trên cơ sở bằng chứng khách quan, đáng tin cậy. Thông tin tài chính không được ghi nhận dựa trên ý kiến chủ quan của người lập BCTC.
Ví dụ: 1 công ty mua một tài sản mới, giá trị của tài sản đó trong báo cáo tài chính phải được ghi nhận dựa trên giá trị hợp lý của tài sản ở thời điểm mua, chứ không được dựa trên giá trị ước tính.
Nguyên tắc công khai
Thông tin kế toán phải được cung cấp đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu và kịp thời tới những bên liên quan. Thông tin phải đáp ứng nhu cầu sử dụng của từng đối tượng sử dụng báo cáo tài chính cụ thể như là nhà đầu tư, cơ quan chức năng, chủ nợ,…
Nguyên tắc thực thể kinh doanh
Bất kỳ đơn vị kinh tế nào có khả năng tiềm lực và tiến hành hoạt động kinh doanh hàng hóa dịch vụ, phải lập báo cáo và ghi chép. Mỗi thực thể kinh doanh là một đơn vị kế toán độc lập, có tài sản, vốn, nợ phải trả, doanh thu và chi phí riêng.
Ví dụ: Một doanh nghiệp A mua một tài sản cho chi nhánh A1 của mình, tài sản đó phải được ghi nhận trên sổ sách kế toán của chi nhánh A1, chứ không phải trên sổ sách của công ty A.
Nguyên tắc thước đo tiền tệ
Tiền được sử dụng như một đơn vị đo lường cơ bản trong báo cáo tài chính. Các giao dịch, hoạt động trong sổ sách kế toán phải được biểu diễn bằng tiền tệ và ngược lại. Những giao dịch và sự kiện quan trọng gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh nhưng không thể đo lường bằng tiền tệ thì không được ghi lại trong sổ sách kế toán.
Kỳ kế toán
Kỳ kế toán là khoảng thời gian mà báo cáo tài chính được lập. Để thuận lợi cho quá trình so sánh, theo dõi thì thời gian của các kỳ kế toán thường dài như nhau (tháng, quý, năm, nhưng phổ biến là theo năm).
Ngoài 07 nguyên tắc kế toán cơ bản và 05 nguyên tắc bổ sung, còn các nguyên tắc khác áp dụng riêng cho từng hoạt động kế toán cụ thể. Liên Việt đã tổng hợp một số thông tin về các quy định luật này, các bạn kế toán viên có thể tham khảo thêm:
- Nguyên tắc kế toán hàng tồn kho quy định theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 3) và Điều 22 Thông tư 133.
- Nguyên tắc lập bảng cân đối kế toán theo Điều 112 Thông tư 200/2014/TT-BTC.
- Nguyên tắc kế toán giá vốn hàng bán quy định tại Khoản, 632 Điều 82 Thông tư 200/2014/TT-BTC.
- Nguyên tắc kế toán nợ phải trả theo Điều 50 Thông tư 200/2014/TT-BTC.
- Nguyên tắc làm tròn số trong kế toán theo Điều 10, Điều 11 Luật Kế toán 2015 và Điều 4 Nghị định 176/2014/NĐ-CP.
- Nguyên tắc lập chứng từ kế toán theo Điều 16, 18 Luật kế toán 2015.
- Nguyên tắc ghi sổ kế toán theo điều Điều 24,25 Luật Kế toán 2015 và Điều 81 Thông tư 05/2019/TT-BTC.
5 Vi phạm nguyên tắc kế toán sẽ phải chịu hậu quả gì?
Kế toán là một công việc nhiều rủi ro, nếu một người vi phạm quy định về kế toán thì có thể phải chịu hậu quả rất lớn:
- Truy cứu trước pháp luật: Nếu hành vi vi phạm nguyên tắc kế toán nằm trong các vi phạm pháp luật quy định, người phạm phải có khả năng chịu phạt hành chính hoặc cao hơn là chịu trách nhiệm hình sự.
- Báo cáo tài chính sai lệch không phản ánh đúng tình trạng doanh nghiệp: Báo cáo tài chính bao gồm việc ghi nhận doanh thu, chi phí của đơn vị. Nếu số liệu không đầy đủ hoặc không rõ ràng, kéo theo những nhận định/đánh giá về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp không đúng, vấn đề của doanh nghiệp không được phát giác kịp thời.
- Dễ đưa ra quyết định nhiều rủi ro, sai lầm: Thông tin thiếu chính xác của báo cáo tài chính có thể khiến nhà quản trị đưa ra quyết định tài chính/kinh doanh không phù hợp tình hình, gây thiệt hại lớn.
- Ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu của công ty: Báo cáo tài chính có tác động rất lớn đến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết. Nếu vi phạm nguyên tắc kế toán dẫn đến sai sót số liệu hoặc khiến người xem khó đánh giá đúng tình trạng công ty, sẽ gây ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu của công ty.
- Làm mất uy tín doanh nghiệp: Vi phạm nguyên tắc kế toán nếu không gây ra sai sót nghiêm trọng cũng sẽ khiến các nhà đầu tư, khách hàng đánh giá không tốt năng lực vận hành của tổ chức. Từ đó, doanh nghiệp bị giảm uy tín cũng như trực tiếp mất đi các khoản tiền đầu tư tiềm năng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về các nguyên tắc trong kế toán. Mong rằng nội dung này có thể giúp cho kế toán doanh nghiệp hiểu và áp dụng hiệu quả nguyên tắc kế toán trong các nghiệp vụ kinh tế và lập báo cáo tài chính. Chúc các bạn kế toán viên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!