Trưởng phòng kế toán (Accounting Manager) là người lãnh đạo và quản lý toàn bộ hoạt động của bộ phận kế toán trong một doanh nghiệp hoặc tổ chức. Nhằm đảm bảo doanh nghiệp phát triển, trưởng phòng kế toán phải thực hiện nhiều nhiệm vụ và phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật. Đồng thời vị trí này yêu cầu kỹ năng chuyên môn cao. Cùng Liên Việt tìm hiểu tất tần tật về vị trí trưởng phòng kế toán trong bài viết dưới đây.
1 Yêu cầu và kỹ năng cần có của trưởng phòng kế toán
Để bạn có thể trở thành một trưởng phòng kế toán chuyên nghiệp, ứng viên cần phải sở hữu những yêu cầu và kỹ năng cần có dưới đây:
Kiến thức chuyên môn về tài chính, kế toán, thuế
Để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả trong việc quản lý bộ phận kế toán, một trưởng phòng cần có kiến thức chuyên sâu về tài chính, kế toán và thuế. Điều này bao gồm việc nắm vững các nguyên tắc kế toán, quy định pháp luật liên quan, cũng như hiểu rõ các báo cáo tài chính và phân tích tài chính.
Kỹ năng lãnh đạo và quản lý nhóm
Trưởng phòng kế toán không chỉ đơn giả là một chuyên gia về số liệu mà còn là một nhà lãnh đạo. Kỹ năng lãnh đạo và quản lý đội ngũ là yếu tố quan trọng để xây dựng một bộ phận kế toán hiệu quả. Người trưởng phòng cần có khả năng phân công công việc, hướng dẫn, đánh giá nhân viên và tạo động lực làm việc cho đội ngũ.
Kỹ năng phân tích tài chính và xử lý rủi ro
Việc phân tích số liệu tài chính một cách kịp thời và chính xác là yếu tố then chốt để đưa ra các quyết định kinh doanh sáng suốt. Ngoài ra, trưởng phòng kế toán còn phải có khả năng nhận diện và đánh giá rủi ro tiềm ẩn, từ đó đề xuất các giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại một cách hiệu quả.
Khả năng giao tiếp và giải quyết vấn đề
Khả năng giao tiếp sẽ là yếu tố cốt lõi giúp trưởng phòng kế toán hợp tác dễ dàng và chặt chẽ với các bộ phận khác trong công ty cũng như với đối tác và khách hàng. Đồng thời, khả năng giải quyết vấn đề nhanh chóng và linh hoạt cũng là một yêu cầu không thể thiếu, giúp họ xử lý các tình huống phát sinh một cách hiệu quả và duy trì sự ổn định trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp.
Am hiểu liên kết phần mềm kế toán và công nghệ
Am hiểu công nghệ không chỉ là một lợi thế mà còn là một yêu cầu bắt buộc đối với trưởng phòng kế toán trong thời đại 4.0. Việc thành thạo các phần mềm kế toán và công cụ phân tích dữ liệu sẽ giúp trưởng phòng đưa ra những báo cáo tài chính chính xác và kịp thời.
Ít nhất 3 năm kinh nghiệm hoặc vị trí tương đương
Để đảm bảo hiệu quả công việc, các ứng viên cho vị trí trưởng phòng kế toán thường được yêu cầu có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc liên quan. Kinh nghiệm thực tế sẽ giúp họ tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng và tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn.
2 Nhiệm vụ của trưởng phòng kế toán
Trưởng phòng kế toán cũng có nhiều nhiệm vụ tương tự như các trưởng phòng khác, nhưng xét theo đặc trưng công việc thì công việc cụ thể của những người đảm nhận vị trí này bao gồm:
Quản lý và điều hành bộ phận kế toán
Trưởng phòng kế toán chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch làm việc, phân công nhiệm vụ cho từng nhân viên, đồng thời giám sát quá trình để đảm bảo công việc được hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng. Bên cạnh đó, trưởng phòng cũng có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân viên, đánh giá hiệu quả làm việc và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc.
Quản lý và báo cáo tài chính
Quản lý và báo cáo tài chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của trưởng phòng kế toán bao gồm những công việc:
- Lập và phân tích báo cáo định kỳ
- Kiểm soát các khoản thu, chi
- Đối chiếu số liệu kế toán và dự báo tình hình tài chính trong tương lai
Thông qua những báo cáo tài chính, trưởng phòng kế toán cung cấp đầy đủ thông tin quan trọng một cách chính xác nhất. Từ đó các nhà quản trị, ban lãnh đạo sẽ đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp.
Đảm bảo các quy định về kế toán thuế theo pháp luật
Trưởng phòng kế toán có trách nhiệm đảm bảo rằng mọi hoạt động kế toán của doanh nghiệp đều tuân thủ các quy định của pháp luật. Điều này bao gồm việc cập nhật thường xuyên các quy định về kế toán và thuế, lập và nộp các báo cáo thuế đúng hạn, đồng thời tư vấn cho các bộ phận khác trong công ty về các vấn đề liên quan đến thuế.
Kiểm soát và phân tích ngân sách, dòng tiền
Nhằm đảm bảo các hoạt động tài chính diễn ra ổn định, trưởng phòng kế toán có nhiệm vụ lập kế hoạch ngân sách, kiểm soát chi tiêu và phân tích dòng tiền. Từ đó họ sẽ đánh giá được khả năng thanh toán của doanh nghiệp và biện pháp cải thiện tình hình tài chính phù hợp hơn.
Xây dựng và cải tiến kế hoạch hệ thống
Trưởng phòng kế toán cần xây dựng và liên tục cải tiến các hệ thống kế toán và quy trình tài chính, nhằm nâng cao hiệu suất làm việc và hỗ trợ chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
3 Lộ trình để trở thành trưởng phòng kế toán
Để có thể trở thành một trưởng phòng kế toán chuyên nghiệp và dày dặn kinh nghiệm, bạn cần phải có một lộ trình sự nghiệp rõ ràng và chi tiết. Dưới đây là gợi ý lộ trình giúp bạn đạt được mục tiêu trở thành trưởng phòng kế toán trong tương lai:
Giai đoạn 1: Xây dựng nền tảng và kiến thức chuyên môn
- Bước đầu bạn cần tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, kiểm toán hoặc tài chính.
- Sau đó, bạn nên học tập và tích luỹ kiến thức với các chứng chỉ chuyên môn về nghiệp vụ kế toán như ACCA, CPA, CFA để khẳng định năng lực và mở rộng cơ hội nghề nghiệp.
Giai đoạn 2 : Tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng
- Năm 1-2: Bắt đầu làm việc tại vị trí kế toán viên, làm quen với công việc và quy trình kế toán.
- Năm 3-5: Tiến lên vị trí kế toán tổng hợp, tham gia các dự án lớn hơn, chịu trách nhiệm về các công việc phức tạp hơn.
- Song song đó, bạn nên tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng chuyên môn kế toán và các kỹ năng mềm phù hợp. Sau đó tìm cơ hội để thực hành và áp dụng kiến thức vào thực tế.
- Ngoài ra, bạn cần tham gia các hoạt động xã hội và xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, cấp trên và các chuyên gia trong ngành.
Giai đoạn 3: Trở thành trưởng phòng kế toán
Trước khi đảm nhận vai trò trưởng phòng kế toán, bạn cần có kinh nghiệm ở các vị trí quản lý trung cấp, như kế toán trưởng hoặc phó phòng kế toán, để làm quen với việc điều hành một bộ phận và quản lý tài chính toàn diện.
Khi đã tích lũy đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, bạn có thể ứng tuyển vào vị trí trưởng phòng kế toán hoặc thăng tiến lên từ các vị trí quản lý khác. Quá trình này đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực và không ngừng học hỏi để thành công.
Bài viết trên Liên Việt đã giải đáp tất tần tật từ A – Z về vị trí trưởng phòng kế toán đến bạn đọc. Hy vọng với những thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về kỹ năng, nhiệm vụ và yêu cầu cần có của vị trí trưởng phòng kế toán. Đừng quên theo dõi blogs tin tức tại Liên Việt để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về các nghiệp vụ ngành nghề khác nhé.