Khi tìm hiểu về các lãnh đạo trong hệ thống bộ máy tổ chức của Nhà nước hoặc một một ngành, lĩnh vực nào đó. Chắc hẳn bạn sẽ thấy quen thuộc với chức danh Vụ trưởng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu về tầm quan trọng của chức danh này. Vậy Vụ trưởng là gì? Vụ trưởng có vai trò và nhiệm vụ như thế nào trong hoạt động của bộ máy Nhà nước. Hãy cùng tìm hiểu thông tin qua bài viết dưới đây của Liên Việt nhé!
1 Vụ trưởng là gì? Vụ trưởng là ai?
Khái niệm về chức danh Vụ trưởng đã được nêu rõ theo Quyết định số 137/TCCP-CCVC ngày 11/7/1996 của Bộ trưởng – Trưởng ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ là:
“Điều 1. Chức trách:
Vụ trưởng và các chức vụ tương đương ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (dưới đây gọi chung là Bộ) là công chức lãnh đạo đứng đầu một Vụ, chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của Vụ để thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao.”
Theo đó, chúng ta có thể hiểu Vụ trưởng là người đứng đầu, quản lý và chịu mọi trách nhiệm về các hoạt động của một Vụ. Chức danh Vụ trưởng tương đương với Cục trưởng, Viện trưởng và Trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Một số ví dụ để bạn có thể dễ hình dung hơn về chức danh này như: Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế thuộc Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường,…
>>> Xem thêm: Thủ trường là gì? Vai trò, nhiệm vụ của thủ trưởng Đơn vị
Vụ trưởng là người chịu trách nhiệm lãnh đạo, điều hành các hoạt động của Vụ
Ngoài ra, còn có chức danh Thứ trưởng và Bộ trưởng cũng thường được nhắc đến khi đề cập đến vấn đề này. Theo Nghị định 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bộ trưởng là người đứng đầu Bộ, lãnh đạo công tác của Bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công. Thứ trưởng là người giúp Bộ trưởng thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về nhiệm vụ đó.
Như vậy, cả Vụ trưởng và Thứ trưởng đều là những người có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện một số nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được giao.
2 Vụ trưởng có nhiệm vụ gì?
Căn cứ vào Điều 2 Quyết định số 137/TCCP-CCVC, Vụ trưởng thực hiện các nhiệm vụ được quy định như sau:
“Điều 2. Nhiệm vụ:
1. Lãnh đạo điều hành công chức trong vụ thực hiện các nhiệm vụ được giao theo chức năng;
– Tổ chức thực hiện việc tham mưu giúp lãnh đạo Bộ xây dựng quy hoạch và kế hoạch ngắn hạn và dài hạn về phát triển lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành.
– Chủ trì hoặc tổ chức phối hợp với các Vụ chức năng của Bộ nghiên cứu xây dựng hoặc kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp quy, các chế độ chính sách có liên quan đến công tác quản lý ngành để Bộ ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành.
– Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra trong phạm vi toàn ngành việc thực hiện các văn bản pháp quy, các chế độ, chính sách đã ban hành có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Vụ và kiến nghị xử lý những vi phạm.
– Chuẩn bị nội dung tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của chuyên ngành theo chức năng được giao.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
– Tổ chức nắm tình hình, tổng hợp thông tin, thống kê, lưu trữ số liệu về quản lý nghiệp vụ thuộc lĩnh vực phụ trách.
2. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn đối với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành.
3. Chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn của Vụ.
4. Quản lý công chức – viên chức và bảo vệ, bảo quản, sử dụng có hiệu quả tài sản cơ quan đã giao cho Vụ theo quy định của Nhà nước.”
Như vậy, Vụ trưởng có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc xây dựng, tổ chức phát triển dài hạn về các lĩnh vực liên quan đến ngành. Đòi hỏi một người có chuyên môn sâu, kỹ năng lãnh đạo tốt và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng.
>>> Tham khảo: Cơ cấu tổ chức là gì? Top 5 mô hình cơ cấu tổ chức phổ biến hiện nay
Vụ trưởng đề xuất các kế hoạch để xây dựng và phát triển các lĩnh vực thuộc ngành
3 Vai trò của Vụ trưởng trong bộ máy nhà nước
Ngoài những nhiệm vụ được quy định nêu trên, Vụ trưởng còn đảm nhiệm vai trò chủ chốt trong một Vụ như:
- Quản lý và điều hành tình hình hoạt động của Vụ.
- Đưa ra kế hoạch, mục tiêu và lãnh đạo đội ngũ cấp dưới hoàn thành công việc được giao.
- Quản lý bộ máy nhân sự của tổ chức, đánh giá hiệu suất làm việc, năng lực của từng cán bộ.
- Đại diện cho Vụ tham gia các cuộc họp với cấp trên và trả lời đối thoại với các bên liên quan hoặc truyền thông.
- Báo cáo và chịu trách nhiệm với cấp trên về những nhiệm vụ được phân công. Phân tích điểm mạnh và điểm yếu của Vụ, từ đó đưa ra những đề xuất cải tiến phù hợp.
>>> Xem thêm: Thanh tra là gì? Sự khác biệt Thanh tra và kiểm tra
4 Trình độ, phẩm chất cần có của một Vụ trưởng
Để đưa ra những đường lối, phương hướng phát triển đúng đắn và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Một người Vụ trưởng cần phải hội tụ đầy đủ các yếu tố phẩm chất liêm khiết, bình đẳng và có trình độ chuyên môn cao.
Trình độ cần có của một Vụ trưởng
Theo Điều 4 Quyết định số 137/TCCP-CCVC, năng lực cần có của Vụ trưởng gồm:
“Điều 4. Năng lực:
1. Có năng lực quản lý, điều hành các hoạt động của Vụ và năng lực tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành.
2. Có khả năng nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp quy, hoạch định chiến lược quản lý vĩ mô và đề xuất các giải pháp kinh tế – kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ phục vụ cho hoạt động của Bộ, ngành.”
Như vậy, người lãnh đạo cần có kỹ năng quản lý tốt, nắm bắt được năng lực chuyên môn của cấp dưới để đưa ra những định hướng đúng đắn, đạt được các mục tiêu đề ra. Đồng thời, phải có sự sáng tạo và khả năng nghiên cứu chuyên sâu để đưa ra những giải pháp kinh tế mới phục vụ cho sự phát triển của Bộ, ngành.
>>> Tham khảo: Kiêm nhiệm là gì? Phụ cấp kiêm nghiệm là gì?
Người lãnh đạo cần có năng lực quản lý và điều hành tốt
Phẩm chất cần có của một Vụ trưởng
Theo Điều 3 Quyết định số 137/TCCP-CCVC, Vụ trưởng cần đáp ứng đủ các yếu tố phẩm chất như sau:
“Điều 3. Phẩm chất:
1. Trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân, tích cực thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thể hiện bằng hiệu quả và chất lượng công tác được giao.
2. Có bản lĩnh vững vàng, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm cá nhân, dám đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, bảo thủ trì trệ.
3. Đoàn kết nội bộ; xây dựng tập thể vững mạnh, làm việc có hiệu quả. Không vi phạm luật pháp và các quy định của Nhà nước, nội quy quy chế của cơ quan.
4. Phong cách làm việc dân chủ, quan hệ trân tình và bình đẳng với đồng nghiệp, đồng sự; gần gũi quần chúng; chí công vô tư.”
Sinh thời, Bác Hồ luôn luôn đề cao phẩm chất đạo đức của một người cán bộ cách mạng. Đất nước có phát triển bền vững hay không, một phần dựa vào sự bản lĩnh, ý chí cố gắng của từng cá nhân và cả một tập thể. Vì vậy, Vụ trưởng luôn phải giữ được đạo đức, tư tưởng tốt, có tinh thần trách nhiệm cao và trung thành với lý tưởng của Đảng và Nhân dân.
>>> Xem thêm: Bí thư là gì? Nhiệm vụ, chức năng của các cấp Bí thư
5 Lời kết
Với những nội dung mà chúng tôi chia sẻ, chắc hẳn bạn đã có thông tin chi tiết nhất cho câu hỏi “Vụ trưởng là gì?”. Hy vọng những kiến thức này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bạn trong cuộc sống và công việc hàng ngày.
Để tìm hiểu thêm về chủ đề liên quan đến bộ máy Nhà nước, hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của Liên Việt – Education nhé!