Trình độ lý luận chính trị có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phản ánh nhận thức, năng lực chính trị của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thật sự hiểu rõ trình độ chính trị là gì. Bài viết này sẽ làm rõ khái niệm, nguyên tắc xác định, các cấp bậc của trình độ lý luận chính trị để bạn đọc nắm rõ. Mời tìm hiểu!
1 Giải thích trình độ lý luận chính trị là gì và một vài thuật ngữ liên quan
Trình độ lý luận chính trị là thuật ngữ chỉ năng lực, kiến thức, mức độ hiểu biết của một người về lý luận chính trị, cụ thể hơn là hệ thống tri thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm và đường lối của Đảng, chính sách Nhà nước,…
Trình độ lý luận chính trị của một người được xác định khi họ đã tham gia đào tạo lý luận chính trị.
Tại khoản 1 Điều 3 của Quy định 57-QĐ/TW năm 2022 giải thích khái niệm đào tạo lý luận chính trị như sau:
Đào tạo lý luận chính trị là việc truyền thụ, tiếp thu hệ thống tri thức lý luận chính trị; cùng cố nhân sinh quan, thế giới quan, phương pháp luận khoa học & cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm & đường lối của Đảng, các chính sách pháp luật; nâng cao nhận thức & bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước & chế độ XHCN; nâng cao tầm nhìn, phương pháp, tư duy, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, vận dụng thực tiễn cho cán bộ.
2 Nguyên tắc và mục đích xác định trình độ lý luận chính trị
Xác định trình độ lý luận chính trị phải tuân theo nguyên tắc nhất định, nhằm đáp ứng tốt các mục tiêu được Đảng, Nhà nước hướng đến. Cụ thể:
Nguyên tắc xác định trình độ lý luận chính trị
Việc xác định trình độ lý luận chính trị cần lấy nội dung chương trình sơ cấp, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị hiện hành thuộc hệ thống trường chính trị của Đảng để làm tiêu chuẩn đối chiếu với các nội dung, chương trình lý luận chính trị (số môn học, tiết học) mà cán bộ, Đảng viên tham gia.
Trong đó, hệ thống trường chính trị của Đảng ta bao gồm:
- Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện
- Trường đào tạo chính trị cấp tỉnh
- Học viện chính trị – Hành chính quốc gia TP Hồ Chí Minh
Mục đích của việc xác định trình độ lý luận chính trị
Những mục đích cụ thể của việc xác định trình độ lý luận chính trị Đảng viên là:
Thứ nhất, đảm bảo cho sự thống nhất trong tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị trong Đảng: Xác định trình độ lý luận chính trị nhằm đảm bảo tính đồng bộ gắn liền với quy định của Đảng trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm, phân cấp quản lý cán bộ.
Thứ hai, là căn cứ quan trọng để Đảng và Nhà nước xây dựng các chính sách và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ chính trị cho các cán bộ, Đảng viên: Trình độ lý luận chính trị được xem là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của quốc gia. Vì thế, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng vào vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết chính trị cho các cán bộ, Đảng viên. Thông qua đào tạo, đơn vị sẽ có nguồn cán bộ đủ chuẩn và phù hợp nhất cho các vị trí công việc, góp phần xây dựng tổ chức vững mạnh và ngày càng phát triển.
Thứ ba, là cơ sở để cập nhật kiến thức và thực hiện những chính sách đã đưa ra đối với các cán bộ, Đảng viên: Sau khi đánh giá và xác định trình độ lý luận chính trị cho Đảng viên, tổ chức dựa vào đó để bổ túc kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, thực hiện các yêu cầu mới về tổ chức đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ.
3 3 cấp bậc của trình độ lý luận chính trị
Theo quy định 57-QĐ/TW Ban Chấp hành Trung ương, đào tạo lý luận chính trị bao gồm 3 cấp: sơ cấp, trung cấp và cao cấp.
Sơ cấp lý luận chính trị
Sơ cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo cơ sở của cán bộ, Đảng viên, Đoàn viên, hội viên… Tại cấp bậc này, cá nhân được trang bị những kiến thức nền tảng về nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách & pháp luật Nhà nước cùng các kỹ năng vận dụng vào thực tiễn.
Trung cấp lý luận chính trị
Trung cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo lý luận chính trị cho đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Tại cấp bậc này, cán bộ phải nắm bắt được những kiến thức lý luận chính trị một cách có hệ thống và cập nhật, vừa có khả năng ứng dụng thực tiễn vừa đòi hỏi về mặt nhận thức, lãnh đạo và quản lý.
Cao cấp lý luận chính trị
Đây là cấp bậc cao nhất của trình độ lý luận chính trị theo quy định của Nhà nước. Bậc cao cấp lý luận chính trị dành cho cán bộ, lãnh đạo trung và cao cấp. Cấp này yêu cầu cán bộ phải nắm bắt các kiến thức lý luận chính trị một cách vững vàng, có hệ thống, thực tiễn, hiện đại và toàn diện. Ngoài đòi hỏi về khả năng quản lý và ứng dụng thực tiễn, các lãnh đạo còn phải thể hiện được tầm nhìn, tư duy chiến lược.
4 3 lý do nên ghi trình độ lý luận chính trị chính xác trong hồ sơ xin việc
Đối với người có mong muốn làm việc trong Nhà nước, trình độ lý luận chính trị là yếu tố hết sức quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến việc có trúng tuyển hay không. Đồng thời, cấp bậc lý luận chính trị của cá nhân còn trở thành cơ sở để thăng tiến sau này. Cho nên đề cập trình độ lý luận chính trị là yếu tố bắt buộc trong hồ sơ xin việc vào làm tại Nhà nước.
Đề cập trình độ lý luận chính trị trong hồ sơ xin việc tại cơ quan Nhà nước đòi hỏi ứng viên phải viết rõ ràng và chính xác tuyệt đối. Bởi vì:
- Đây là cơ sở đánh giá năng lực, trình độ của ứng viên: cấp bậc lý luận chính trị thể hiện mức độ am hiểu và khả năng đảm nhiệm của ứng viên cho vị trí công việc. Chẳng hạn như đối với vị trí việc làm thuộc cấp lãnh đạo, quản lý thì đòi hỏi ứng viên đạt trình độ lý luận chính trị trung cấp đến cao cấp.
- Đây là căn cứ để thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng: Sau khi đảm nhiệm công việc thì cán bộ, nhân viên Nhà nước sẽ được cử tham gia các kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chính trị. Vì vậy cần đề cập chính xác trình độ lý luận chính trị để cơ quan có sự điều động, phân nhiệm vụ đào tạo phù hợp và đúng tiêu chuẩn cho cán bộ.
- Đây là căn cứ để công chức dự thi nâng ngạch: Cấp trình độ lý luận chính trị là căn cứ thực tiễn để tổ chức, cơ quan đánh giá năng lực và trình độ cán bộ, cơ sở để xét dự thi nâng ngạch cho cán bộ, Đảng viên.
Trình độ lý luận chính trị là yếu tố quan trọng để lựa chọn, sàng lọc những cá nhân ưu tú, có nhận thức chính trị vững vàng và tinh thần cống hiến, đóng góp tích cực cho sự nghiệp chung của Tổ quốc. Mong rằng qua bài viết này, bạn đọc đã có thể hiểu rõ trình độ lý luận chính trị là gì cũng như vai trò, ý nghĩa của việc xác định trình độ lý luận chính trị.