Nhiều người vẫn thường nghĩ hướng dẫn viên du lịch là nghề an nhàn, vừa đi làm vừa hưởng thụ, được đi khắp nơi mà không tốn một đồng chi phí nào. Tuy nhiên, ít ai thấy được những mặt trái của nghề hướng dẫn viên du lịch. Nếu mọi người quan tâm hãy theo dõi chi tiết trong bài viết dưới đây của Liên Việt nhé.
1 Những mặt trái của nghề hướng dẫn viên du lịch
Thời gian làm việc không cố định
Hướng dẫn viên du lịch sẽ có thời gian làm việc theo từng chương trình hoặc tour mình phụ trách nên sẽ không cố định về thời gian. Bởi thời gian làm việc hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng.
Vì vậy, nghề hướng dẫn viên đòi hỏi người làm phải toàn tâm với nghề, hy sinh thời gian của bản thân cho công việc. Thông thường, những bạn trẻ chưa có gia đình sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc hơn. Những người đã có gia đình thường sẽ không nhận được sự ủng hộ từ các thành viên trong gia đình nên khó có thể phát triển lâu dài với nghề.
Bởi vì, nghề dịch vụ nhất là nghề hướng dẫn viên du lịch sẽ thường đi làm vào những ngày lễ, ngày tết khi mà các công nhân viên chức hay cơ quan nhà máy được nghỉ. Khách hàng nghỉ mới có nhu cầu đi du lịch, đi thăm quan khám phá. Thế nên, ngày nghỉ của người khác sẽ là ngày làm việc của các hướng dẫn viên du lịch.
“Đã theo lấy nghề thì phải yêu nghề. Cuộc sống của anh cứ đi chu du nay đây mai đó. Anh vừa dẫn đoàn đi Huế một tuần về tối qua, sáng ngày mai lại dẫn đoàn khác đi Tây Nguyên 5 ngày, sau đó về lại Nha Trang nghỉ vài ngày rồi ra sân bay đón đoàn khách Úc đi Phan Thiết – TP. HCM” – Đây là tâm sự của một hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh có tiếng trong làng hướng dẫn tại Nha Trang.
Như vậy, nghề hướng dẫn viên không đơn giản như mọi người thường nghĩ là thời gian làm việc thoải mái, không gò bó nhé.
Công việc áp lực
Nghề hướng dẫn viên du lịch được ví như “làm dâu trăm họ” cũng không hề sai. Vì thế, người làm nghề phải chịu được áp lực công việc với cường độ cao.
Hướng dẫn viên sẽ phải chịu trách nhiệm từng bữa ăn, giấc ngủ, xe di chuyển, nơi vui chơi giải trí, trải nghiệm cho khách hàng…Phải luôn sẵn sàng để giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong chuyến đi từ việc xe hỏng, delay máy bay hay các vấn đề liên quan đến sức khỏe của khách hàng. Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào cũng diễn ra thuận lợi và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng.
Chỉ cần khách hàng gặp một sự cố dù là nhỏ nhất, họ cũng sẽ trách mắng, đổ trách nhiệm cho hướng dẫn viên. Họ luôn coi hướng dẫn viên như một người giúp việc phải làm cho họ tất cả mọi việc phải thật hoàn hảo.
“Em ơi bao giờ mới được nghỉ? Em ơi, mấy giờ mới được ăn anh/chị mệt lắm rồi? Sao không bảo trước, anh/chị mới đi thì biết sao được. Sao em không chuẩn bị trước cho khách….” – Đây là những câu tôi rất hay được nghe khi đi làm, một chia sẻ của nữ hướng dẫn viên tại điểm du lịch Bà Nà.
Công việc rất vất vả
Hướng dẫn viên du lịch là một nghề rất vất vả có rủi ro nghề nghiệp cao. Những người làm nghề phải có sức chịu đựng được cường độ công việc cao và sức khỏe dẻo dai.
Bởi hướng dẫn viên sẽ là người chuẩn bị tất cả công việc cho chuyến du lịch từ lên lịch trình, setup nơi ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi, thăm quan, trong chương trình phải thuyết trình liên tục ngay cả khi đang di chuyển trên xe…Tất cả công việc đều phải được chuẩn bị và triển khai nhuần nhuyễn và hoàn hảo hạn chế tối đa những sự cố.
Hơn nữa, hướng dẫn viên còn phải làm việc trong những môi trường nguy hiểm, chẳng hạn như trên núi cao, biển sâu hay trong rừng rậm. Việc phải di chuyển đến những nơi xa lạ chưa quen đường xá, dễ xảy ra va chạm…Hay trong quá trình dẫn khách cũng có thể gặp tai nạn trong các điểm du lịch như ngã xuống núi, trượt chân rơi xuống vực, bị động vật tấn công, côn trùng cắn…
“Tôi đang đi thì thấy nhức nhức ở bắp chân, nhưng vì vẫn đang dẫn khách nên cũng bỏ qua. Trưa mới vạch ra thì 1 con vắt căng mọng đến phát sợ, tôi suýt ngất khi nhìn thấy nó” – Anh Long hướng dẫn viên du lịch trong Rừng Cúc Phương chia sẻ.
Thực sự, công việc hướng dẫn viên du lịch phải chịu khá nhiều áp lực không đơn giản như mọi người vẫn thấy. Một người hướng dẫn sẽ có sức làm việc bằng 3-4 người làm việc văn phòng bình thường.
Bị quấy rối, gạ gẫm
Hướng dẫn viên du lịch thường bị quấy rối và gạ gẫm đi quá giới hạn đặc biệt là hướng dẫn nữ. Bởi khách hàng có nhiều thành phần không phải ai cũng đàng hoàng lịch sự.
Các bạn khi làm nghề hướng dẫn viên phải thực sự giữ mình trước những lời gạ gẫm đường mật với những lợi ích hấp dẫn. Nhưng đó chỉ là mối quan hệ qua đường không đánh tin cậy sẽ ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống của các bạn rất nhiều, nên hãy luôn thận trọng.
“Nửa đêm khách vẫn gọi điện rủ đi uống rượu, đi quẩy cùng khách. Vì không muốn mất lòng nên mình đã đi cùng nhưng cả một hội khách nam ép mình uống say rồi trêu đùa quá giới hạn. Thực sự mình cũng được cảnh báo nhưng không nghĩ lại gặp khách thô lỗ vậy” – Lời tâm sự của nữ hướng dẫn viên tại Hạ Long.
Thu nhập không ổn định
Mọi người thường nghĩ làm nghề hướng dẫn viên du lịch vừa được đi chơi khắp nơi không mất tiền mà lương vẫn cao, ổn định. Sự thật cũng không phải hoàn toàn là vậy, nghề này có thu nhập không ổn định.
Thực tế, thu nhập của hướng dẫn viên không cao, trung bình mỗi tour sẽ dao động từ 500 – 600.000 VNĐ. Ở một số công ty du lịch lớn thì mức thu nhập mỗi tour có thể được tăng lên chút dao động từ 700 – 1.000.000 VNĐ/tour. Hướng dẫn có thể được thưởng thêm chút nếu được khách khen và đánh giá cao, phần này thường ít không nhiều.
Mà lương hướng dẫn viên du lịch không tăng theo năm kinh nghiệm. Nếu so với mặt bằng chung thì thu nhập này không hề cao. Hơn nữa, không phải ngày nào cũng có tour nên mức thu nhập này còn không ổn định.
2 Có nên theo nghề hướng dẫn viên du lịch không?
Tuy là nghề hướng dẫn viên cũng có những góc khuất nhưng cũng không thể phủ nhận được sức hấp dẫn của nghề này. Đặc biệt, các bạn trẻ nghề sẽ mang lại nhiều lợi ích dưới đây:
- Có cơ hội được đi nhiều nơi đẹp, thưởng thức nhiều món ăn ngon.
- Có cơ hội được biết thêm nhiều nền văn hóa, thói quen, phong tục tập quán của nhiều địa phương.
- Được check in ở nhiều nơi sang trọng, điểm du lịch đẹp.
- Nếu làm tốt, duyên dáng và tinh tế sẽ dễ dàng nhận được tiền tips, tiền thưởng “nóng” từ khách du lịch.
- Có cơ hội kết thân với nhiều khách hàng để mở rộng thêm mối quan hệ.
- Học hỏi thêm được những kiến thức, kỹ năng hay từ khách hàng.
- Được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, mọi quy trình thực hiện công việc rõ ràng, mô tả công việc chi tiết.
- Học cách làm việc chỉn chu, có trách nhiệm với tất cả công việc từ những việc nhỏ nhất.
Nói chung, làm nghề hướng dẫn viên du lịch cũng rất thú vị và giúp người làm nghề phát triển bản thân rất tốt. Những bạn trẻ muốn trải nghiệm một môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp thì đừng bỏ qua nghề hướng dẫn này nhé.
Để tìm hiểu thêm về các khối ngành đào tạo hướng dẫn viên du lịch và điểm chuẩn vào ngành, bạn có thể tham khảo bài viết hướng dẫn viên du lịch học khối nào. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về các trường đào tạo hướng dẫn viên du lịch toàn quốc và điểm chuẩn vào ngành.