Trong nền kinh tế cạnh tranh, các doanh nghiệp luôn muốn tìm kiếm người có năng lực lãnh đạo vượt trội để dẫn dắt tổ chức gặt hái thành công. Nếu bạn muốn trở thành nhân tố ưu tú đó thì đừng bỏ qua bài viết này. Liên Việt sẽ giúp bạn giải đáp về tiêu chí đánh giá, các yếu tố quyết định và cách phát triển năng lực lãnh đạo!
1 Năng lực lãnh đạo là gì?
Năng lực lãnh đạo được hiểu là khả năng điều hành, quản trị, dẫn dắt một đội nhóm/tổ chức tạo lập những giá trị, nhằm đạt được mục tiêu chung của tổ chức đó. Với những người ngang bằng về trình độ, kiến thức thì năng lực lãnh đạo chính là yếu tố quyết định người nào phù hợp cho vị trí lãnh đạo hơn.
Năng lực lãnh đạo và kỹ năng lãnh đạo là những phương diện quan trọng dùng để đánh giá khả năng lãnh đạo của một người. Vậy kỹ năng lãnh đạo khác năng lực lãnh đạo quản lý như thế nào?
- Kỹ năng lãnh đạo: Là khả năng ứng dụng kiến thức học được để thực hiện nhuần nhuyễn công việc quản lý tổ chức. Các kỹ năng lãnh đạo giúp nhà quản trị nâng cao hiệu quả làm việc, tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
- Năng lực lãnh đạo: Là toàn bộ phẩm chất của một nhà quản trị để giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, lãnh đạo. Các yếu tố cấu thành năng lực lãnh đạo bao gồm cả thái độ, kỹ năng và kiến thức.
Hiểu đơn giản, kỹ năng lãnh đạo chính là một phần tạo nên năng lực lãnh đạo của người quản lý.
Yếu tố cốt lõi của năng lực lãnh đạo
Năng lực lãnh đạo được cấu thành từ nhiều yếu tố. Trong đó, có 5 yếu tố nền tảng giúp đánh giá và liên hệ thực tiễn năng lực lãnh đạo quản lý, đó là: Kỹ năng, phẩm chất, tư duy, kiến thức và khả năng sử dụng nguồn lực. Hãy cùng đi vào chi tiết:
Kỹ năng lãnh đạo
Kỹ năng lãnh đạo là một phần quan trọng để đánh giá năng lực lãnh đạo của một người. Trong đó, những kỹ năng không thể thiếu của một nhà lãnh đạo ưu tú là:
- Kỹ năng điều hành, quản lý: Triển khai các kế hoạch hiệu quả và tỉ mỉ, đánh giá và giám sát công việc chặt chẽ, đảm bảo tiến độ thực hiện công việc.
- Kỹ năng ra quyết định: Đưa ra các quyết định chỉ đạo công việc chính xác, nhanh chóng để cấp dưới hiểu và thực thi; có tầm nhìn chiến lược và ra phương án giải quyết vấn đề phát sinh kịp thời.
- Kỹ năng điều hành nhân sự: Sử dụng và điều phối nhân lực hợp lý, tận dụng tối đa nguồn nhân lực.
- Kỹ năng đàm phán: Áp dụng tốt những kỹ thuật, chiến thuật thương lượng và linh hoạt trong giao tiếp, thuyết phục, trao đổi với đối tác để mang về lợi ích cho tổ chức.
- Kỹ năng ứng xử, giao tiếp: Có khả năng giao tiếp, truyền đạt tốt để cấp trên dễ dàng nắm bắt tình hình, giúp cấp dưới hiểu và thực thi tốt nhiệm vụ.
- Kỹ năng làm việc nhóm: Có thể hòa nhập, tạo môi trường làm việc có sự chia sẻ, thấu hiểu giữa cán bộ với nhân viên. Qua đó, tạo khối đoàn kết để cùng thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành mục tiêu chung của tổ chức.
Phẩm chất cá nhân
Phẩm chất là những yếu tố thuộc về tính cách, thể hiện đạo đức, cách ứng xử của một người. Phẩm chất lãnh đạo là những yếu tố tác động đến hành vi, phản ứng và tinh thần trách nhiệm của người quản lý trong việc điều hành. Những phẩm chất cá nhân ở một nhà lãnh đạo có năng lực tốt bao gồm:
- Công bằng, chính trực: Đây là phẩm chất quan trọng, nhất là với năng lực lãnh đạo quản lý của cán bộ Nhà nước. Lãnh đạo phải đối xử với cấp dưới công bằng và không vụ lợi, đảm bảo quyền và lợi ích cho mỗi cá nhân.
- Quản lý cảm xúc tốt: Lãnh đạo cần giữ bình tĩnh và tỉnh táo trong mọi trường hợp để đưa ra các quyết định sáng suốt, không bị cảm xúc lấn át.
- Sẵn sàng trao quyền cho nhân viên: Trao quyền cho nhân viên giúp lãnh đạo giảm bớt gánh nặng công việc, tập trung cho các dự án lớn hơn. Đồng thời, việc này giúp khích lệ tinh thần cấp dưới, cho họ động lực phấn đấu.
- Biết đồng cảm, chia sẻ: Việc lắng nghe và sẵn sàng trao đổi giúp người lãnh đạo hiểu rõ tình hình của nhân viên. Qua đó, hỗ trợ kịp thời cấp dưới, động viên tinh thần và giữ chân được người tài.
- Can đảm: Nhà lãnh đạo là người đứng đầu và chịu trách nhiệm cho hoạt động của cả đơn vị. Họ cần có lòng tin, can đảm với chiến lược đưa ra, chịu trách nhiệm, không đùn đẩy, xứng đáng là “đầu tàu” dẫn dắt tổ chức.
Tư duy chiến lược và tầm nhìn
Tư duy chiến lược là những tư duy mang tính vĩ mô, tổng hợp về tầm nhìn, lộ trình chiến lược, dự kiến bất trắc và có phương án xử lý. Nhờ có chiến lược và tầm nhìn rõ ràng, nhà quản trị có thể thấy được những lợi thế, xác định đúng hướng đi và chủ động trước những rủi ro. Các yếu tố thể hiện năng lực tư duy, tầm nhìn của nhà lãnh đạo là:
- Tư duy đổi mới: Nhà lãnh đạo cần tiếp cận và thích nghi với sự thay đổi để phù hợp với những biến động mới. Đây là chìa khóa cho việc tạo chiến lược, “đi trước đối thủ” và truyền cảm hứng cho mọi người đón nhận những thay đổi mới.
- Tầm nhìn sâu rộng: Người lãnh đạo cần có khả năng nhìn xa trông rộng, hình dung được bức tranh toàn cảnh về tương lai của tổ chức, cá nhân hay dự án. Qua đó, nhà lãnh đạo dẫn dắt tổ chức đi theo những phương án phát triển bền vững.
- Lập chiến lược: Người lãnh đạo cụ thể hóa tư duy và tầm nhìn thành những kế hoạch ngắn hạn hoặc dài hạn. Qua đó, họ dẫn dắt cấp dưới từng bước thực hiện mục tiêu phát triển của tổ chức.
Xem thêm: Các phong cách lãnh đạo thường thấy hiện nay
Kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm
Chuyên môn sâu là xuất phát điểm quan trọng để trở thành một nhà lãnh đạo tài giỏi. Người có kiến thức chuyên môn vững vàng mới có được khả năng nhìn nhận chính xác, hiểu cặn kẽ vấn đề, từ đó định hướng phát triển cho cả tổ chức. Nhà lãnh đạo giỏi phải phát huy năng lực chuyên môn ở tầm cao hơn chứ không phải xao nhãng đi kiến thức chuyên môn.
Kinh nghiệm quản lý là yếu tố cần thiết để chứng minh năng lực lãnh đạo của một người. Lãnh đạo là một vị trí nhiều trọng trách, áp lực, đòi hỏi bạn phải có đủ trình độ lẫn bản lĩnh. Việc từng làm ở các vị trí quản lý sẽ giúp bạn có điều kiện hoàn thiện và phát triển, cũng như tự tin hơn khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của một tổ chức.
Khả năng sử dụng nguồn lực
Người lãnh đạo giỏi là người đưa ra phương án và triển khai các kế hoạch mang lại lợi ích lớn nhất, nhưng hao tổn tài lực thấp nhất. Nếu có thể làm tốt những điều sau, bạn chính là nhân tố quản lý “trong mơ” mà mọi doanh nghiệp muốn sở hữu:
- Phát triển nhân sự: Nhà lãnh đạo phải biết trọng dụng nhân tài, hiểu được điểm mạnh – yếu của mỗi nhân viên để có phân công phù hợp. Khi phân công đúng người, đúng việc thì hiệu quả công việc sẽ tăng cao, rút ngắn thời gian hoàn thành, giảm bớt chi phí cho đơn vị.
- Kiểm soát tài chính: Trong kinh doanh, có nhiều biến động khó lường như rủi ro đầu tư, thu hồi vốn chậm,… Nhà lãnh đạo phải nắm bắt được tình hình tài chính là ứng phó kịp thời các tình huống này, đảm bảo tiến độ và tính khả thi của hoạt động đầu tư/kinh doanh.
- Ứng dụng công nghệ: Lãnh đạo ngày nay cần vận dụng hiệu quả công nghệ trong triển khai hoạt động của tổ chức. Các công nghệ như AI, tự động hóa, điện toán đám mây,… đều là những công cụ đắc lực giúp nhà quản trị đưa ra chiến lược hiệu quả, tối ưu hóa các quy trình vận hành trong doanh nghiệp.
Xem thêm: Thông tin khóa học chứng chỉ bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp phòng
2 Vai trò của năng lực lãnh đạo trong thực tiễn
Lãnh đạo chính là “đầu tàu” dẫn dắt tổ chức đi đến thành công. Bằng cách tối ưu hóa nguồn lực, xây dựng môi trường làm việc tốt, họ sẽ dẫn dắt tổ chức hoàn thành những mục tiêu chung. Dưới đây là những vai trò nền tảng của năng lực lãnh đạo quản lý trong thực tiễn:
- Trong cơ quan/tổ chức: Năng lực lãnh đạo tốt sẽ giúp người thủ lĩnh đưa ra những quyết định đúng đắn, định hướng công việc và mục tiêu chung cho tổ chức. Qua đó, họ dẫn dắt tổ chức đi đến thành công và tạo dựng tương lai phát triển bền vững.
- Trong doanh nghiệp: Năng lực lãnh đạo đóng vai trò then chốt trong việc ra quyết định và điều hành hoạt động đầu tư/kinh doanh của công ty. Người lãnh đạo giỏi sẽ có định hướng đúng đắn giúp doanh nghiệp phát triển và đạt được mục tiêu kinh doanh.
- Trong quản lý nhân sự: Nhờ những định hướng và phân công nhiệm vụ phù hợp, người quản lý có thể giúp đội nhóm nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, đạt được mục tiêu chung của tổ chức.
- Trong việc xây dựng môi trường làm việc: Người có năng lực lãnh đạo sẽ biết cách xây dựng môi trường làm việc phù hợp, vừa cho nhân viên không gian phát triển, vừa đảm bảo tính kỷ luật của tổ chức.
3 Cách đánh giá năng lực lãnh đạo
“Làm thế nào để đánh giá năng lực lãnh đạo quản lý” chắc hẳn là vấn đề mà chủ doanh nghiệp/nhà quản trị cấp cao luôn quan tâm. Sau đây là gợi ý một số phương pháp đánh giá, tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo hiệu quả. Xin mời tham khảo!
Một số phương pháp đánh giá năng lực lãnh đạo
Phương pháp đánh giá năng lực lãnh đạo được chia làm hai hình thức chính: trực tiếp hoặc gián tiếp.
- Đánh giá trực tiếp: Thực hiện các khảo sát, phỏng vấn, quan sát quá trình làm việc,… đối với nhà lãnh đạo.
- Ưu điểm: Cách thức này giúp chủ doanh nghiệp có được cái nhìn trực quan, thông tin chính xác để đánh giá thực lực của người lãnh đạo.
- Nhược điểm: Việc khảo sát, điều tra, quan sát,… chỉ thích hợp đánh giá hiệu quả lãnh đạo trong giai đoạn phỏng vấn, thử việc. Đối với lãnh đạo lâu năm, việc bị “điều tra” công khai có thể làm “mất lòng” họ. Kết quả đánh giá cũng chưa đủ thuyết phục vì chưa xét đến các yếu tố kết quả công việc thực tế.
- Đánh giá gián tiếp: Thông qua thu thập phản hồi của nhân viên, so sánh số liệu kết quả công việc hàng năm, đo lường tốc độ phát triển của đơn vị,… để đánh giá năng lực người lãnh đạo.
- Ưu điểm: Phương thức này cho phép thu thập đa dạng nguồn tin, số liệu cụ thể về năng lực lãnh đạo. Kết quả đánh giá năng lực lãnh đạo gắn liền với hiệu quả hoạt động thực tiễn.
- Nhược điểm: Việc xác định mức độ đóng góp của năng lực lãnh đạo trong kết quả hoạt động tổng thể của doanh nghiệp là khá phức tạp và không thể chính xác tuyệt đối.
Người chủ doanh nghiệp có thể kết hợp nhiều phương pháp đánh giá năng lực lãnh đạo cùng lúc. Như vậy có thể đảm bảo tính khách quan và đúng đắn của những thông tin thu được.
Tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo
Dựa trên các yếu tố cốt lõi của năng lực lãnh đạo, người đứng đầu sẽ xây dựng những quy chuẩn để đánh giá năng lực lãnh đạo. Người đáp ứng các tiêu chí theo level càng cao thì càng phù hợp với vị trí đó. Các tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo quản lý sẽ có mức độ quan trọng khác nhau tùy vào đặc trưng của tổ chức/doanh nghiệp. Chẳng hạn như:
- Đối với các công ty kinh doanh: Chú trọng vào các tiêu chí như tư duy chiến lược, kỹ năng đàm phán, kỹ năng điều hành nhân sự,…
- Đối với các tổ chức như bệnh viện, trường học,…: Chú trọng các tiêu chí về kỹ năng điều hành & quản lý, kỹ năng chuyên môn, phát triển nhân sự, ứng dụng công nghệ,…
- Đối với tổ chức/cơ quan đoàn thể của Đảng, Nhà nước: Chú trọng các tiêu chí công bằng, chính trực; tầm nhìn sâu rộng; kỹ năng ứng xử, giao tiếp; khả năng ra quyết định;…
Chú ý: Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Nhà nước được quy định chi tiết hơn tại tiểu mục 1.3 Mục II Quy định 89-QĐ/TW năm 2017.
4 Các phương pháp nâng cao năng lực lãnh đạo
Khả năng lãnh đạo không phải là tài năng thiên bẩm, mà đòi hỏi quá trình học tập và rèn luyện không ngừng. Sau đây là 5 giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý hiệu quả. Hãy cùng tham khảo:
- Đào tạo và phát triển năng lực lãnh đạo: Tham gia khóa học về quản lý, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, tham gia hội thảo, mentoring,…
- Xây dựng kế hoạch phát triển năng lực lãnh đạo cá nhân: Có lộ trình rèn luyện và mục tiêu phát triển rõ ràng; biết nắm bắt điểm mạnh, điểm yếu và để phát huy hay khắc phục.
- Rèn luyện tính kỷ luật: Luôn duy trì kỷ luật nghiêm khắc, tự phê bình bản thân và chịu trách nhiệm với mọi quyết định đưa ra.
- Thực hành và học hỏi kinh nghiệm: Mạnh dạn thử sức với vị trí quản lý, tích cực học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, từ quản lý cấp cao hơn.
- Làm quen với “lãnh đạo số” – sử dụng công nghệ để phát triển của tổ chức: Thành thạo sử dụng công nghệ, nắm rõ tác động của công nghệ tới hoạt động của tổ chức, từ đó xây dựng văn hóa đổi mới cho toàn đơn vị.
Người thủ lĩnh giỏi là người có thể tạo ra giá trị to lớn và khác biệt cho đơn vị/tổ chức. Mong rằng qua những chia sẻ trên của Liên Việt, các bạn có thể nâng cao năng lực lãnh đạo để trở thành nhà lãnh đạo có thực lực, uy tín!