Năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm là tổng hợp những kiến thức, kỹ năng và phẩm chất cần thiết mà giáo viên phải có để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục học sinh.
Vậy những tiêu chuẩn năng lực chuyên môn nghiệp vụ dạy học cụ thể là gì? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin bạn cần phải có để trở thành 1 người giáo viên tốt. Mời quý bạn đọc cùng Liên Việt Education tìm hiểu!
1 Các tiêu chuẩn đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm
Nhắc đến phát triển năng lực là nói đến việc nâng cao chất lượng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng sư phạm cùng ý thức đạo đức trong việc giảng dạy. Sau đây là 3 tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm quan trọng mà nhà giáo cần phải có:
Tiêu chuẩn về kiến thức chuyên môn
Một trong những tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm hàng đầu là kiến thức chuyên môn của một giáo viên. Theo đó, người giáo viên cần đảm bảo các yêu cầu về kiến thức sau đây:
– Kiến thức chuyên môn về ngành: Người giáo viên cần có kiến thức sâu rộng về môn học, hiểu biết vững vàng về lĩnh vực được phân công giảng dạy.
– Kiến thức về khoa học, giáo dục: Có hiểu biết và nắm vững kiến thức thực tế, kiến thức lý thuyết cốt yếu về khoa học giáo dục.
– Kiến thức về văn bản quy định về giáo dục: Cập nhật thông tin các văn bản quy định giáo dục là hết sức cần thiết, để nhà giáo nắm bắt và tuân thủ theo các quy định về giảng dạy mới nhất do ban ngành đưa ra.
Tiêu chuẩn về kỹ năng nghiệp vụ sư phạm
Kỹ năng sư phạm là khả năng giảng dạy, ứng biến linh hoạt các hoạt động, nhằm thực hiện quá trình dạy học một cách hiệu quả. Sau đây là các kỹ năng không thể thiếu của mỗi giáo viên ưu tú:
– Kỹ năng giảng dạy: Biết xây dựng giáo án, thiết kế các bài dạy một cách hấp dẫn. Áp dụng tốt các kỹ thuật giảng dạy và mô hình dạy học mới tích hợp,…
– Kỹ năng tổ chức lớp học: Lựa chọn và sử dụng thành thạo các phương pháp tổ chức lớp học và hoạt động phù hợp nhằm phát huy tinh thần tích cực, chủ động học tập của học sinh. Qua đó, đảm bảo trật tự và nề nếp lớp học, tạo ra môi trường học an toàn, thoải mái, giúp học sinh phát triển toàn diện về kiến thức, kỹ năng, thái độ.
– Kỹ năng đánh giá học sinh: Ứng dụng tốt các phương pháp kiểm tra và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, sự tiến bộ của học sinh.
– Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin: Biết cách khai thác và sử dụng hiệu quả các thiết bị công nghệ, thiết bị dạy học cùng tài liệu dạy học, giáo dục và quản lý học sinh.
Tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức
– Yêu nghề, mến học: Người giáo viên cần tâm huyết với nghề, biết quản lý cảm xúc; đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của người học. Đồng thời, biết đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp trong quá trình tham gia dạy học.
– Có tinh thần trách nhiệm: Tận tụy với công việc được giao; thực hiện đúng các điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, ban ngành.
Khuyến khích nhà giáo thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc. Thường xuyên học tập và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm. Từ đó, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
– Lòng nhân ái, vị tha: Có lòng nhân ái, độ lượng, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp; luôn nhiệt tình và sẵn sàng giúp đỡ.
– Có đạo đức nghề nghiệp: Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh.
(Thông tin căn cứ theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT. Tham khảo thêm thông tin bổ sung tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của chứng danh nghề nghiệp giáo viên tại: Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT)
2 5 cấp độ đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm
Ngành sư phạm có khá nhiều chuyên ngành tương ứng với các bậc học và môn dạy học khác nhau. Tương ứng với đó là 5 cấp độ đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, gồm có:
– Cấp độ 1: Giáo viên có kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu giảng dạy bậc tiểu học.
– Cấp độ 2: Giáo viên có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu giảng dạy bậc THCS.
– Cấp độ 3: Giáo viên có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu giảng dạy bậc THPT.
– Cấp độ 4: Giáo viên có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu giảng dạy bậc ĐH, CĐ.
– Cấp độ 5: Giáo viên có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ đặc biệt xuất sắc, đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiên cứu khoa học, đào tạo giáo viên.
3 Hình thức đào tạo năng lực chuyên môn nghiệp vụ giáo viên
Đào tạo năng lực chuyên môn nghiệp vụ giáo viên là chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng và phương pháp giảng dạy cho những người có mong muốn làm giáo viên nhưng chưa qua đào tạo chuyên môn về sư phạm.
Sau đây là các hình thức đào tạo năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, bạn có thể tham khảo:
Đào tạo đại học Sư phạm
Các bạn có mơ ước trở thành giáo viên tương lai, nên đăng ký ứng tuyển vào các khối ngành đào tạo đại học Sư phạm chính quy.
Các môn học trong ngành Sư phạm sẽ cung cấp kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc giảng dạy, quản lý lớp học, đánh giá & phát triển cá nhân của học sinh.
Một số nội dung trong chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm như: lý thuyết giáo dục, phương pháp giảng dạy, quản lý lớp học, đánh giá và định hướng học sinh, tâm lý học và sự phát triển của trẻ em, công nghệ trong giảng dạy,..
Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm
Dù tốt nghiệp bậc đại học, cao đẳng hay trung cấp nằm ngoài khối ngành sư phạm, bạn vẫn có thể trở thành giáo viên khi tham gia các lớp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm phù hợp.
Tại đây, bạn sẽ được bổ sung và hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng, tư duy sư phạm để trở thành người có năng lực giảng dạy, truyền đạt kiến thức.
Tự bồi dưỡng năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm
Nhà giáo có thể tự bồi dưỡng năng lực nghiệp vụ sư phạm thông qua đọc sách, báo, học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hoàn thiện và nâng cao trình độ giảng dạy thông qua các cuộc thi hiểu biết giáo dục, hội thi giáo viên giỏi các cấp…
4 Vai trò của năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm
Năng lực sư phạm là yếu tố then chốt giúp nhà giáo hoàn thành xuất sắc công tác giảng dạy trong thời đại giáo dục hòa nhập:
– Truyền đạt kiến thức: Học sinh đến từ nhiều nền tảng khác nhau, phong cách và khả năng học tập càng không đồng đều. Nhà giáo cần có năng lực giảng dạy tốt để ứng dụng phương pháp dạy học phù hợp, phù hợp với tất cả học trò.
– Tổ chức các hoạt động học tập đa dạng, phong phú: Giáo viên chuyên môn cao có thể sử dụng các phương tiện hỗ trợ trực quan, các hoạt động thực nghiệm,… Biến lớp học thành môi trường học sôi động, hấp dẫn cho học sinh học hỏi và tiến bộ không ngừng.
– Đánh giá học sinh khách quan, công bằng: Bên cạnh chất lượng bài học, giáo viên cần có kiến thức và kỹ năng theo dõi và đánh giá học sinh một cách chính xác, khách quan. Từ đó, tìm ra phương thức hỗ trợ, khích lệ tinh thần học tập tốt nhất, phù hợp nhất cho từng học sinh.
– Giáo dục học sinh về đạo đức, lối sống: Ngoài kiến thức nền tảng, nhà giáo còn có trách nhiệm là tấm gương đạo đức, lối sống; dẫn dắt học sinh hướng đến tinh thần hiếu học, trách nhiệm và tuân thủ kỷ luật.
5 Giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên
Xã hội phát triển, nghề giáo cũng cần có những bước chuyển mình phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại.
Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm được xem là nhiệm vụ thiết thực trong công cuộc đổi mới toàn diện ngành giáo dục nước nhà.
Sau đây là một số giải pháp thiết thực nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của nhà giáo:
Đổi mới chương trình đào tạo đại học sư phạm
Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo đóng vai trò chiến lược trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo dục. Để đào tạo, bồi dưỡng đạt kết quả cao cần thực hiện quy hoạch lại mạng lưới các trường, khoa và cơ sở đào tạo & bồi dưỡng nhà giáo.
Tăng cường sự liên kết và hợp tác giữa các tổ chức giáo dục trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Nâng cao chất lượng các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm
Sau khi đã trở thành giáo viên trên bục giảng, hàng năm, nhà giáo sẽ được bồi dưỡng các nội dung theo quy chế bồi dưỡng thường xuyên.
Vì thế, các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cần không ngừng được cập nhật và cải tiến, đáp ứng những yêu cầu giảng dạy mới theo kịp tiến độ phát triển chung của xã hội.
Tạo điều kiện cho giáo viên tự bồi dưỡng
Tự đào tạo là yếu tố hết sức quan trọng để giáo viên chủ động phát triển năng lực dạy học của bản thân. Mỗi người giáo viên trong quá trình hành nghề sẽ biết rõ những điểm điểm yếu, chất lượng giảng dạy của bản thân. Từ đó, người giáo viên sẽ chủ động tìm tòi học tập, tự bồi dưỡng năng lực và kỹ năng để hoàn thiện mình hơn.
Thực hiện tốt công tác đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm
Đánh giá không đúng, thiếu chính xác sẽ làm cho người giáo viên không nhìn nhận đúng năng lực và hiện trạng bản thân. Điều này khiến các giáo viên mất đi động lực phấn đấu, gây trầm lắng, trì trệ trong công việc.
Các tổ chức đánh giá giáo viên cần thực hiện đánh giá theo sát Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.
Tóm lại, người đạt chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm là người có lý tưởng nghề nghiệp, yêu nghề, nắm vững kiến thức chuyên môn. Đồng thời luôn tích cực, chủ động học tập và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Trên đây là toàn bộ thông tin do Liên Việt Education tổng hợp về các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn của nhà giáo. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm để trở thành người giáo viên ưu tú. Hy vọng hữu ích cho bạn đọc!