Nghề vật lý trị liệu là gì? Điều trị, tập vật lý trị liệu là gì? Có những phương pháp điều trị vật lý trị liệu phục hồi chức năng nào? Nếu bạn đang tìm hiểu những thông tin về ngành nghề này thì đừng bỏ lỡ bài viết của chúng tôi nhé.
1 Vật lý trị liệu là gì?
Vật lý trị liệu là một trong những ngành của y học tổng hợp, sử dụng các tác động vật lý lên cơ thể con người như nhiệt trị liệu, điện trị liệu, ánh sáng trị liệu, thủy trị liệu, cơ học trị liệu… để phòng, chữa và phục hồi bệnh. Vật lý trị liệu được sử dụng để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân thông qua kiểm tra, chẩn đoán, tiên lượng, can thiệp vật lý và giáo dục bệnh nhân. Nó được thực hiện bởi một Kỹ thuật viên Vật lý trị liệu (được gọi là nhà vật lý trị liệu ở nhiều quốc gia, họ có thể không là bác sĩ như ở nước ta).
Vật lý trị liệu tiếng anh là gì? Vật lý trị liệu tiếng anh gọi là physiotherapy, dùng để chỉ một phương pháp điều trị cho bệnh nhân không cần dùng thuốc.
Vai trò của vật lý trị liệu
Ngoài thực hành lâm sàng, các hoạt động khác của nghề vật lý trị liệu bao gồm nghiên cứu, giáo dục, tư vấn và quản lý. Các dịch vụ vật lý trị liệu có thể được cung cấp dưới dạng điều trị chăm sóc chính hoặc phụ, hoặc kết hợp với các dịch vụ y tế khác. Vai trò của vật lý trị liệu trong phục hồi và bảo vệ sức khỏe là:
- Hỗ trợ giảm đau cho người bệnh, giúp họ có thể giảm dần tần suất sử dụng thuốc điều trị, tránh những tác động bất lợi tới sức khỏe.
- Hỗ trợ phục hồi chức năng cơ thể, tránh nguy cơ phải thực hiện phẫu thuật đau đớn.
- Cải thiện, phục hồi chức năng, khả năng vận động sau chấn thương, bại liệt hoặc sau phẫu thuật, giúp người bệnh sớm trở lại sinh hoạt bình thường.
- Hỗ trợ phòng ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan tới tuổi tác.

Nghề vật lý trị liệu làm những công việc gì?
Dự báo trong giai đoạn năm 2026 – 2050, nhóm người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên chiếm 10 – 19,9% trong cơ cấu dân số nước ta. Ngoài ra, số liệu người khuyết tật ở nước ta là 7-10% dân số. Do đó, ngành phục hồi chức năng có nhu cầu nhân lực rất lớn.
Hiện ngành y tế cả nước đang thiếu khoảng 10.000 bác sĩ và kỹ thuật viên để thực hiện chức năng này. Do đó, bạn có thể yên tâm về cơ hội việc làm trong tương lai của mình. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm các công việc sau:
- Làm việc tại trung tâm phục hồi chức năng: Nhu cầu khám sức khỏe và phục hồi chức năng ngày càng tăng. Vì vậy, tại các phòng khám, trung tâm phục hồi chức năng luôn có nhu cầu tuyển dụng những kỹ thuật viên và bác sĩ phục hồi chức năng giỏ với chế độ đãi ngộ hấp dẫn.
- Bệnh viện công lập: Trong hệ thống bệnh viện các cấp từ trung ương đến địa phương đều có khoa phục hồi chức năng. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể thi tuyển công chức hoặc ký hợp đồng làm việc tại các bệnh viện này.
- Viện dưỡng lão: Người già là những người cần được chăm sóc và vật lý trị liệu nhiều nhất nhất. Vì người già thường gặp nhiều vấn đề về thể chất, chẳng hạn như xương khớp… Do đó, trong các viện dưỡng lão luôn cần tới kỹ thuật viên, bác sĩ vật lý trị liệu.
- Đoàn thể thao: Sau khi tốt nghiệp bạn hoàn toàn có thể làm việc tại các đoàn thể thao để hỗ trợ vận động viên điều trị chấn thương, xử lý chấn thương kịp thời.
- Điều trị tại nhà, mở phòng khám cá nhân: Nếu không muốn làm việc tại phòng khám, bệnh viện có thể mở dịch vụ điều trị tại nhà cho bệnh nhân. Đây là một dịch vụ lý tưởng cho những bệnh nhân không có thời gian đến bệnh viện hoặc trung tâm phục hồi chức năng và những người bị hạn chế về khả năng vận động.
2 Điều trị vật lý trị liệu gồm những hình thức nào?
Ngoài mức độ hiệu quả cao, vật lý trị liệu còn có nhiều phương pháp tiếp cận giúp các bác sĩ dễ dàng lựa chọn phương pháp phù hợp với từng trường hợp bệnh nhân. Có nhiều hình thức/kỹ thuật vật lý trị liệu, được chia thành hai loại chính:
Vật lý trị liệu thụ động – Vật lý trị liệu thụ động thường không yêu cầu bệnh nhân phải di chuyển nhiều. Loại điều trị này thường giúp giảm nhanh các triệu chứng đau cấp tính và giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. Các biện pháp vật lý trị liệu thụ động có thể kể đến là:
- Chườm nóng: Theo các chuyên gia sức khỏe, sức nóng giúp làm giãn nở hệ thống mao mạch, thúc đẩy máu lưu thông tốt. Từ đó giúp tăng lưu lượng máu đến khớp hoặc vùng bị tổn thương, giúp cải thiện khả năng hồi phục. Chưa kể, nhiệt còn có thể làm giảm sưng và đau ở vùng bị thương.
- Chườm lạnh: Phương pháp này có tác dụng giảm sưng, giảm đau nhưng thời gian chườm không quá 20 phút mỗi lần. Số lần chườm có thể tăng giảm tùy theo thể trạng mỗi người.
- Kích thích điện: Kích thích điện không chỉ giúp giảm đau mà còn có thể làm co cơ và kích thích cảm giác ở những vùng bị tê, có thể giúp phục hồi chức năng và phục hồi cảm giác. Tất cả các dòng điện như dòng điện một chiều, dòng điện cao tần, trung tần, thấp tần đều có thể được sử dụng để điều trị
- Sóng siêu âm: Giúp giảm viêm và giảm đau. Ngoài ra, siêu âm có thể giúp cơ thư giãn và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chữa bệnh. Các phương pháp siêu âm bao gồm siêu âm nền nước, siêu âm tiếp xúc trực tiếp và siêu âm dẫn thuốc.
Vật lý trị liệu chủ động – Hình thức này thường bao gồm các bài tập vận động. Bệnh nhân có thể tập một mình hoặc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ trị liệu. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể thực hiện các bài tập có hoặc không có thiết bị. Các biện pháp trị liệu theo hình thức này có thể kể tới là:
- Bài tập tăng cường cơ bắp: Giúp cơ bắp săn chắc, chống yếu cơ và giúp giữ cột sống ở đúng vị trí.
- Bài kéo giãn: Giúp các cơ, mô, khớp vận động linh hoạt hơn.
- Tập thể dục nhẹ: Bao gồm đi bộ, thủy liệu pháp hoặc đi xe đạp. Các bài tập này giúp tăng sự dẻo dai, linh hoạt của xương khớp và cơ bắp. Nó cũng giúp cột sống hoạt động tốt và tăng phạm vi chuyển động của cơ thể.
Với các hình thức trị liệu khác, nhà trị liệu vật lý có thể sử dụng một số biện pháp trị liệu bổ sung, chẳng hạn như:
- Điều trị bằng từ trường: Từ trường của nam châm điện, nam châm vĩnh cửu hoặc từ các dụng cụ từ sinh hoạt.
- Điều trị bằng nước: Có các biện pháp xử lý như xử lý bằng suối khoáng nhiệt, ngâm trong nước, aerosol hoặc tia nước áp suất.
- Điều trị bằng ánh sáng: Điều trị bằng tia hồng ngoại, tia cực tím hoặc laser
- Liệu pháp hoạt động: Bao gồm một số môn thể thao, hoạt động nghề nghiệp, hoạt động tự phục vụ hoặc tự di chuyển
- Một số phương pháp điều trị khác: Liệu pháp oxy cao áp, liệu pháp tập thể dục, liệu pháp nhiệt hoặc cơ học,…

Vật lý trị liệu có thể thực hiện cho bệnh lý nào?
Vật lý trị liệu có thể hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý về cơ xương khớp, thần kinh, tim mạch…Dưới đây là một số bệnh lý cần trợ giúp từ vật lý trị liệu:
- Đột quỵ: Là tình trạng tắc nghẽn hoặc đứt mạch máu cung cấp cho não. Phần quan trọng nhất của phục hồi chức năng đột quỵ là các bài tập phục hồi chức năng, giúp bệnh nhân trở lại các hoạt động hàng ngày, lấy lại chức năng đã mất và ngăn ngừa tổn thương thêm.
- Chấn thương cột sống: Chấn thương cổ và lưng cần được điều trị sớm để có kết quả tốt nhất. Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng có thể giúp hạn chế tổn thương thêm và rút ngắn thời gian phục hồi.
- Đau: Nếu người bệnh bị đau dữ dội sau chấn thương hoặc phẫu thuật, hoặc do vấn đề về thần kinh hoặc cơ, vật lý trị liệu có thể giúp giảm đau và giúp kiểm soát cơn đau tốt hơn.
- Những bệnh lý khác: Các bệnh khớp gây đau, cứng khớp và hạn chế vận động, chẳng hạn như viêm cột sống dính khớp, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và bệnh gút… có thể được điều trị bằng vật lý trị liệu. Liệu pháp này làm giảm đau, cải thiện phạm vi chuyển động và giúp bệnh nhân luyện tập sử dụng khớp mà không gây thêm tổn thương.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể cần phục hồi thể chất do ung thư, bệnh tim, các vấn đề về phổi, nhiễm trùng vết thương, cắt cụt chi hoặc bỏng nặng, cũng như phục hồi thể chất sau phẫu thuật thay khớp.
Vật lý trị liệu phục hồi chức năng ở Việt Nam
Có rất nhiều lý do dẫn đến các bệnh lý về xương khớp và đòi hỏi phải có quá trình trị liệu từ những chuyên gia, bác sĩ có kinh nghiệm. Ở Việt Nam, nghề vật lý trị liệu tuy là một ngành nghề mới nổi nhưng đã có những đóng góp to lớn trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và ổn định phát triển xã hội.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh xương khớp cao nhất thế giới. Điều này cho thấy nhu cầu về các dịch vụ vật lý trị liệu và phục hồi chức năng là rất cao. Trong khi đó nghề này chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam nên thị trường lao động còn thiếu người tham gia các hoạt động đào tạo, giảng dạy và triển khai.
Là một quốc gia đang trong đà hội nhập và phát triển, chúng ta cần tập trung vào ngành này để mang lại giá trị phát triển và ổn định xã hội cho đất nước.
Trên đây là tất cả những thông tin giúp bạn hiểu được khái niệm vật lý trị liệu phục hồi chức năng là gì. Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn và giúp bạn vạch ra định hướng phát triển nghề nghiệp cho bản thân. Chúc bạn thành công!