Đã bao giờ bạn đi tìm hiểu về hệ thống chính trị nước ta và đặt câu hỏi “Bộ máy nhà nước gồm những cơ quan nào? Cơ chế hoạt động ra sao”. Bởi đây được xem là “cơ quan đầu não” để vận hành và phát triển đất nước. Vậy để hiểu hơn về vấn đề này hãy cùng tìm hiểu thông tin qua bài viết dưới đây của Liên Việt nhé!
1 Bộ máy nhà nước Việt Nam gồm những cơ quan nào?
Theo Hiến pháp năm 2013, Bộ máy nhà nước là tổng thể các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Tất cả được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc thống thất, đồng bộ để thực hiện các nhiệm vụ, chức năng của nhà nước.
Về cơ bản, có thể hiểu đơn thuần bộ máy nhà nước là các cơ quan đại diện cho nhân dân, bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của người dân.
>>> Xem thêm: Tinh giản biên chế là gì? Quy định về tinh giản biên chế như thế nào?
Nhà nước Việt Nam ta đứng đầu là Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ máy nhà nước sẽ bao gồm ba loại cơ quan:
– Cơ quan lập pháp: Quốc hội là cơ quan cao nhất thực hiện quyền lập pháp, giám sát các hoạt động của Nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
– Cơ quan hành pháp: Đứng đầu là Chính phủ, tiếp đến là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương và Uỷ ban nhân dân các cấp địa phương.
– Cơ quan tư pháp: Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và các cấp địa phương.
Các cơ quan này sẽ phải hoạt động theo nguyên tắc chung để tạo thành một thể cơ chế đồng bộ. Để tìm hiểu kỹ hơn về cơ chế và chức năng tổng thể các cơ quan trong Bộ máy nhà nước, mời các bạn tiếp tục theo dõi nội dung phía dưới.
>>> Tham khảo: Thi công chức là gì? Hình thức thi công công như thế nào?
2 Sơ đồ bộ máy nhà nước Việt Nam
Sự kết nối của ba cơ quan được thể hiện chi tiết qua sơ đồ bộ máy nhà nước Việt Nam sau:
Mỗi cơ quan sẽ có những chức năng và nhiệm vụ riêng, cùng hướng đến việc tạo ra lợi ích chung cho nhân dân. Cụ thể:
Quốc hội
Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, đây là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, nắm quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với các hoạt động của Nhà nước.
Theo Điều 71 Hiến pháp năm 2013, mỗi khóa Quốc hội sẽ có nhiệm kỳ là 05 năm. Quốc hội khóa mới phải được bầu xong trước 60 ngày khi khóa cũ hết nhiệm kỳ. Trong trường hợp đặc biệt, một khóa Quốc hội được kéo dài nhiệm kỳ không quá mười hai tháng.
Chủ tịch nước
Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện công tác đối nội và đối ngoại. Chức danh này sẽ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước là người chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.
Theo Điều 87 Hiến pháp 2013, một nhiệm kỳ của Chủ tịch nước sẽ tương ứng với nhiệm kỳ của Quốc hội. Do vậy, khi Quốc hội hết nhiệm kỳ thì Chủ tịch nước vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước thay thế.
>>> Xem thêm: Từ chức là gì?
Chính phủ
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Việt Nam, là cơ quan chấp hành của Quốc hội và thực hiện quyền hành pháp.
Chính phủ chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Theo Điều 95 Hiến pháp 2013, trong bộ máy Chính phủ sẽ bao gồm:
– Thủ tướng Chính phủ: là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về các hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được phân công; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước
– Phó Thủ tướng Chính phủ: là người thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về các công việc được giao. Nếu Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, một Phó Thủ tướng được ủy nhiệm sẽ thay mặt Thủ tướng lãnh đạo công tác của Chính phủ.
– Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ: là những người chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Đồng thời, cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.
Về cơ cấu, số lượng thành viên trong Chính phủ sẽ do Quốc hội quyết định.
Về nguyên tắc, Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Chính phủ sẽ ban hành các văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Đồng thời, kiểm tra việc thực thi các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật.
>>> Tham khảo: Biệt phái là gì? Những quy định về biệt phái mới nhất
Tòa án nhân dân
Theo Điều 102 Hiến pháp 2013, tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Đây là cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Tòa án nhân dân sẽ bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân địa phương và các Tòa án khác do luật định.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Viện kiểm sát nhân dân
Theo Điều 107 Hiến pháp 2013, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Về cơ cấu Viện kiểm sát nhân dân gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự và các Viện kiểm sát khác do luật định.
Chính quyền địa phương
Trong bộ máy Nhà nước, chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Các cấp đơn vị hành chính sẽ bao gồm: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Cấp chính quyền địa phương có Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và được tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng vùng, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định. Trong đó:
- Hội đồng nhân dân: là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Cơ quan này do Nhân dân địa phương bầu, chịu trách nhiệm trước Nhân dân và cơ quan cấp trên. Hội đồng nhân dân có quyền quyết định các vấn đề của địa phương do luật định. Đồng thời, giám sát việc thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
- Ủy ban nhân dân: là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương sẽ do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính cấp trên. Đây cũng là cơ quan tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên phân công.
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân có trách nhiệm thực hiện thông báo tình hình của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân động viên, tuyên truyền nhân dân cùng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương.
>>> Xem thêm: Bãi nhiệm là gì? Phân biệt bãi nhiệm và miễn nhiệm
3 Tạm kết
Trên đây là nội dung về “Bộ máy nhà nước gồm những cơ quan nào? và Sơ đồ phân hệ bộ máy nhà nước” mà chúng tôi muốn chia sẻ tới bạn đọc. Nếu muốn tìm hiểu thêm các thông tin khác về các chức danh, chức vụ của Nhà nước, hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của Liên Việt nhé!
CÔNG TY CỔ PHẦN GIÁO DỤC LIÊN VIỆT
Hà Nội
- Số 17, ngõ 167 Tây Sơn, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội
- Số 87 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội
Hồ Chí Minh
- Số 352 đường Ba Tháng Hai, Phường 12, Q10, TPHCM
Hotline: 1800.6581
Email: lienhe@lienviet.edu.vn
Website: https://lienviet.edu.vn/