Quy định về chức danh nghề nghiệp bảo vệ rừng năm 2025 có nhiều điểm đáng chú ý, bao gồm điều kiện bổ nhiệm, tiêu chuẩn năng lực và cách xếp lương theo quy định mới nhất. Những thay đổi mới tác động trực tiếp đến viên chức ngành lâm nghiệp. Bài viết sau của Liên Việt sẽ cung cấp chi tiết các nội dung quan trọng!
1 Chức danh nghề nghiệp bảo vệ rừng là gì?
Hạng chức danh nghề nghiệp bảo vệ rừng là tên gọi phản ánh vị trí, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức hoạt động trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng. Đây là căn cứ để xác định tiêu chuẩn về học vấn, kỹ năng và kinh nghiệm của người làm công tác bảo vệ rừng trong hệ thống viên chức nhà nước.
Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 18/2020/TT-BNNPTNT, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng gồm ba hạng chức danh. Mỗi hạng chức danh có tiêu chuẩn khác nhau về trình độ chuyên môn, nhiệm vụ và trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng theo quy định của pháp luật.
- Quản lý bảo vệ rừng viên chính (hạng II) – Mã số hạng là V.03.10.28.
- Quản lý bảo vệ rừng viên (hạng III) – Mã số hạng là V.03.10.29.
- Kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng (hạng IV) – Mã số hạng là V.03.10.30.

2 Nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp quản lý bảo vệ rừng
Căn cứ theo chương III Thông tư 18/2020/TT-BNNPTNT, nhiệm vụ CDNN ngành quản lý bảo vệ rừng được quy định chi tiết theo từng hạng. Sau đây là tóm tắt:
Nhiệm vụ của CDNN quản lý bảo vệ rừng viên chính (hạng II)
Khoản 1 điều 9 Thông tư 18/2020/TT-BNNPTNT Nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp bảo vệ rừng viên chính như sau:
- Tham gia xây dựng chính sách, quy hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng.
- Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, thực hiện phương án quản lý bảo vệ rừng bền vững, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án liên quan.
- Chủ trì hoặc tham gia phân tích, đánh giá kết quả quản lý bảo vệ rừng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện.
- Chủ trì hoặc tham gia hội nghị khoa học, xây dựng nội dung và tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cho viên chức cấp dưới.
- Thực hiện nhiệm vụ theo vị trí việc làm, bao gồm:
- Theo dõi diễn biến rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng.
- Phòng cháy chữa cháy rừng, phòng trừ sinh vật gây hại.
- Khoán bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ cộng đồng vùng đệm phát triển kinh tế – xã hội.
- Nghiên cứu khoa học, tư vấn, hợp tác quốc tế, tuyên truyền giáo dục về môi trường rừng.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của lãnh đạo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Nhiệm vụ của CDNN quản lý bảo vệ rừng viên (hạng III)
Khoản 1 điều 10 Thông tư 18/2020/TT-BNNPTNT quy định về nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp bảo vệ rừng viên như sau:
- Soạn thảo báo cáo, văn bản về quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng.
- Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, triển khai phương án, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững.
- Tham gia biên soạn chương trình, tài liệu tập huấn chuyên môn, kỹ thuật quản lý bảo vệ rừng cho viên chức hạng thấp hơn hay tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ.
- Thực hiện các hoạt động theo vị trí chức danh nghề nghiệp bảo vệ rừng viên:
- Theo dõi diễn biến rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, thực vật và động vật rừng.
- Bảo vệ rừng, thực hiện phòng cháy chữa cháy, phòng trừ sinh vật gây hại rừng.
- Khoán bảo vệ, phát triển rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ.
- Hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm ổn định đời sống và phát triển kinh tế – xã hội.
- Tham gia nghiên cứu khoa học, tư vấn, cung cấp dịch vụ, hợp tác quốc tế và tuyên truyền giáo dục về môi trường rừng.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của lãnh đạo đơn vị và quy định pháp luật.

Nhiệm vụ của CDNN kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng (hạng IV)
Khoản 1 điều 11 Thông tư 18/2020/TT-BNNPTNT quy định nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng như sau:
- Tổng hợp số liệu phục vụ xây dựng phương án, quy hoạch, kế hoạch về quản lý bảo vệ rừng.
- Thực hiện phương án quản lý, phát triển và sử dụng rừng theo kế hoạch.
- Theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng.
- Thực hiện các hoạt động theo dõi diễn biến rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy.
- Tham gia tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm, diễn đàn, tham quan học tập, tư vấn, dịch vụ.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công trong quyền hạn của vị trí công việc và đúng quy định pháp luật.

3 Phân hạng CDNN bảo vệ rừng
Hạng chức danh nghề nghiệp bảo vệ rừng là tên gọi thể hiện trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của người viên chức bảo vệ rừng. Mỗi hạng chức danh sẽ có những tiêu chuẩn khác nhau được quy định tại TT18/2020/TT-BNNPTNT.
Cụ thể, tại Điều 3 thông tư TT18/2020 định mã số như sau:
Chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông
- Khuyến nông viên chính (hạng II) – (Mã: V.03.09.25)
- Khuyến nông viên (hạng III) – (Mã: V.03.09.26)
- Kỹ thuật viên khuyến nông (hạng IV) – (Mã: V.03.09.27)
Chức danh nghề nghiệp quản lý bảo vệ rừng
- Quản lý bảo vệ rừng viên chính (hạng II) – (Mã: V.03.10.28)
- Quản lý bảo vệ rừng viên (hạng III) – (Mã: V.03.10.29)
- Kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng (hạng IV) – (Mã: V.03.10.30)
Có thể thấy, hạng chức danh nghề nghiệp bảo vệ rừng được chia thành 3 hạng. Cao nhất là quản lý bảo vệ rừng viên chính hạng 2 và thấp nhất là kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng hạng 4.
4 Tiêu chuẩn CDNN lĩnh vực bảo vệ rừng
Viên chức chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập là ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ phải đáp ứng điều kiện về phẩm chất như sau:
- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và các quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; thực hiện đúng nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, đoàn kết, chủ động, hợp tác chặt chẽ trong công việc, lắng nghe ý kiến của quần chúng và đồng nghiệp.
- Chính trực, nhiệt tình, tận tâm, tận lực với công việc.
- Thường xuyên học tập nâng cao chất lượng chuyên môn, tích cực nghiên cứu, học tập với tinh thần cởi mở.
- Không sử dụng tên tuổi, chức vụ hoặc quyền lực của mình để trục lợi cho cá nhân hoặc nhóm. Có tinh thần dũng cảm, khéo léo chống lại các hành vi phá hoại để quản lý và bảo vệ rừng.
- Chịu trách nhiệm quản lý tài sản, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị, tài liệu phục vụ công tác quản lý rừng.
Xem thêm: Chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên là gì?
Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bảo vệ rừng viên chính hạng II
Tiêu chuẩn Bảo vệ viên bảo vệ rừng hạng 2 được quy định tại Điều 9.Thông tư 18/2020 như sau:
Tiêu chuẩn bồi dưỡng, đào tạo
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành về lâm nghiệp hoặc chuyên ngành khác phù hợp với vị trí yêu cầu việc làm.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp quản lý bảo vệ rừng viên chính hạng II
Tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ
- Nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; của ngành về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng.
- Có kiến thức chuyên sâu, có năng lực tổng hợp, khái quát, năng lực đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng; khả năng tổ chức, bố trí nhân sự thực hiện quản lý bảo vệ rừng; có khả năng kết nối giữa các tổ chức và các cá nhân hoạt động quản lý bảo vệ rừng.
- Có kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, tư duy sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng KHCN để thực hiện nhiệm vụ.
- Đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, kế hoạch và chương trình/ đề án/ dự án về quản lý bảo vệ rừng và được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.
- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản phục vụ công việc.
- Có kỹ năng sử dụng được ngoại ngữ bậc 3 KNLNN Việt Nam hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối nếu công tác ở vùng dân tộc thiểu số.
Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bảo vệ viên bảo vệ rừng hạng III
Tiêu chuẩn Bảo vệ viên bảo vệ rừng hạng III được quy định tại Điều 10.TT18/2020 như sau:
Tiêu chuẩn bồi dưỡng, đào tạo
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành về lâm nghiệp hoặc chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp quản lý bảo vệ rừng viên hạng III.
Tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ
- Nắm được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và sử dụng rừng.
- Có các kiến thức nghiệp vụ bảo vệ rừng, sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
- Có kỹ năng tổng hợp làm báo cáo các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời có khả năng tổ chức, bố trí nhân sự trong tổ chức kiểm tra, thực hiện quản lý bảo vệ rừng.
- Có phương pháp, kỹ năng vận động mọi người tham gia quản lý bảo vệ rừng.
- Có khả năng làm việc độc lập, việc theo nhóm. Có tư duy sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện nhiệm vụ.
- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.
- Có kỹ năng sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 2 KNLNN 6 bậc Việt Nam.
Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng hạng IV
Tiêu chuẩn kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng hạng IV được quy định tại Điều 9 Thông tư 18/2020/TT-BNNPTNT như sau:
Tiêu chuẩn bồi dưỡng, đào tạo
- Tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành về lâm nghiệp hoặc chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm trở lên.
Tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ
- Nắm vững được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của ngành về quản lý bảo vệ rừng, phát triển và sử dụng rừng.
- Có tư duy và khả năng làm việc nhóm, có phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia quản lý bảo vệ rừng.
- Nắm vững quy trình kỹ thuật, có nghiệp vụ thực hiện hoạt động về quản lý bảo vệ rừng theo vị trí việc làm của mình.
- Sử dụng thành thạo công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng và bảo hộ lao động và các loại thiết bị nghiệp vụ cần thiết khác để quản lý bảo vệ rừng theo nhiệm vụ công tác,
- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản nhằm phục vụ công việc hiệu quả.
5 Mức lương của chức danh nghề nghiệp bảo vệ rừng
Theo quy định hiện hành tại Điều 13 Thông tư 18/2020/TT-BNNPTNT, các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng được xếp hệ số lương như sau:
- Quản lý bảo vệ rừng viên chính (hạng II): Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, đạt từ 4,00 đến 6,38.
- Quản lý bảo vệ rừng viên (hạng III): Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, đạt từ 2,34 đến 4,98.
- Kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng (hạng IV): Áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, đạt từ 1,86 đến 4,06.
Theo đó, lương chức danh nghề nghiệp bảo vệ rừng (chưa tính phụ cấp) sẽ được áp dụng theo cách tính lương viên chức, cụ thể:
Mức lương CDNN bảo vệ rừng = Mức lương cơ sở x hệ số lương hiện hưởng |
Trong đó:
- Mức lương cơ sở hiện hành là 2.340.000 đồng/tháng (theo Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP).
- Hệ số lương hiện hưởng: hệ số lương tương ứng với hạng CDNN bảo vệ rừng quy định tại Điều 13 Thông tư 18/2020/TT-BNNPTNT (nêu phía trên).
Như vậy, có thể dễ dàng tính được mức lương dao động đối với các vị trí chức danh nghề nghiệp bảo vệ rừng như sau:
- Quản lý bảo vệ rừng viên chính (hạng II): Khoảng 9.360.000 – 14.929.200 đồng/tháng.
- Quản lý bảo vệ rừng viên (hạng III): Khoảng 5.475.600 – 11.653.200 đồng/tháng.
- Kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng (hạng IV): Khoảng 4.352.400 – 9.500.400 đồng/tháng.
(*Lưu ý: Mức lương trên chưa bao gồm các khoản phụ cấp, trợ cấp áp dụng với từng hạng chức danh quản lý bảo vệ rừng.)

6 Điều kiện thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp ngành bảo vệ rừng
Quy định về điều kiện xét thăng hạng CDNN chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng được nêu tại các khoản 4 Điều 9 và khoản 4 Điều 10 Thông tư 18/2020/TT-BNNPTNT, cụ thể như sau:
- Trường hợp xét thăng hạng CDNN quản lý bảo vệ rừng viên chính: Phải có ít nhất 09 năm giữ chức danh quản lý bảo vệ rừng viên hoặc vị trí tương đương (không tính thời gian tập sự) tính đến hạn cuối nộp hồ sơ. (căn cứ).
- Trường hợp xét thăng hạng CDNN quản lý bảo vệ rừng viên: Phải có thời gian giữ chức danh kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng hoặc vị trí tương đương theo quy định sau:
- Nếu có trình độ cao đẳng khi tuyển dụng lần đầu: tối thiểu 02 năm (không tính thời gian tập sự).
- Nếu có trình độ trung cấp khi tuyển dụng lần đầu: tối thiểu 03 năm (không tính thời gian tập sự).

Cập nhật quy định mới về chức danh nghề nghiệp bảo vệ rừng giúp viên chức trong ngành nắm rõ tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền lợi của mình. Hiểu và áp dụng đúng xác các quy định sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công việc. Hy vọng bài viết của Liên Việt sẽ là nguồn thông tin hữu ích giúp mọi người nắm rõ nội dung này!