Lãnh đạo cấp phòng là một vị trí quan trọng trong bộ máy hành chính Nhà nước. Để được bổ nhiệm vào vị trí này, công chức – viên chức cần đáp ứng những điều kiện và tiêu chuẩn khắt khe. Cụ thể thế nào xin mời các bạn cùng Liên Việt tìm hiểu qua các nội dung sau đây!
1 Lãnh đạo cấp phòng là gì?
Trước tiên, để hiểu rõ về chức danh lãnh đạo cấp phòng, ta cần biết cấp phòng là cấp nào trong bộ máy Nhà nước.
“Phòng” là một cấp chính thức thuộc bộ máy hành chính Nhà nước. Chức năng chung của cấp phòng là “truyền tải & tổ chức thực hiện các quyết định của cấp trên trực tiếp và phản ánh nguyện vọng, yêu cầu của công chức đơn vị tới lãnh đạo cấp trên”. Trong đó:
- Cấp trên trực tiếp của phòng ở trung ương (TW) là ban, văn phòng, cục, viện và các đơn vị khác tại các bộ hoặc cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
- Cấp trên trực tiếp của phòng ở địa phương là sở, ban, UBND cấp huyện của tỉnh & thành phố trực thuộc TW.
Lãnh đạo quản lý cấp phòng là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức trưởng phòng/phó trưởng phòng hoặc các vị trí tương đương tại cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân cấp huyện trở lên.
2 Vai trò của lãnh đạo cấp phòng
Lãnh đạo luôn là người đi đầu trong việc vận hành, quản lý, đưa quyết định trong tổ chức. Trong nền hành chính Việt Nam cũng vậy, lãnh đạo phòng đóng vai trò là nơi đầu nguồn trong quy trình quản lý, vận hành & hoạt động của đơn vị.
Cụ thể, vai trò chính của lãnh đạo cấp phòng là:
- Trực tiếp quản lý cấp dưới, quản trị các hoạt động thuộc phòng/ban mình.
- Đại diện phòng ban truyền tải các yêu cầu, nguyện vọng, đề xuất của công chức đơn vị tới lãnh đạo cấp trên.
- Là người lập/phê duyệt kế hoạch, điều hành & phân công công việc cho nhân viên dưới quyền.
- Đóng vai trò tham mưu, giúp thủ trưởng cơ quan quản lý các dịch vụ công đúng trình độ và nhiệm vụ được phân công.
- Điều tiết công việc, truyền cảm hứng & động lực cho nhân viên trong phòng ban.
3 Chức năng, nhiệm vụ của lãnh đạo quản lý cấp phòng
Căn cứ theo Điều 10 Luật cán bộ Công chức 2008, 6 nhiệm vụ chính của lãnh đạo quản lý cấp phòng gồm có:
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được cấp trên giao phó, chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của đơn vị.
- Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cán bộ, công chức trong việc thi hành công vụ.
- Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống quan liêu, tham nhũng, chống lãng phí và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng này tại tổ chức.
- Tổ chức thực hiện các quy định pháp luật dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong đơn vị; xử lý nghiêm minh cấp dưới quyền có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, thái độ quan liêu.
- Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền (hoặc kiến nghị lên cấp cấp cao hơn) về các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cá nhân hoặc tổ chức dưới quyền.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác trong phạm vi chức trách theo quy định của pháp luật.
Ngoài 6 nhiệm vụ nêu trên, lãnh đạo cấp phòng đồng thời phải thực hiện đủ trách nhiệm của công chức, viên chức Đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và nghĩa vụ trong thi hành công vụ (được quy định tại các Điều 8, 9 Luật cán bộ Công chức 2008).
4 Để trở thành lãnh đạo quản lý cấp phòng cần có những kỹ năng gì?
Để đảm nhiệm tốt vai trò lãnh đạo, quản lý cấp phòng cần có những kỹ năng quan trọng của một “thủ lĩnh”, đó là:
- Kỹ năng lãnh đạo: Biết cách sử dụng nhân sự, triển khai kế hoạch tỉ mỉ và hiệu quả, nhìn nhận và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, chính xác.
- Kỹ năng ra vấn đề: Lãnh đạo phòng cần đưa ra các quyết định chỉ đạo công việc chính xác, nhanh chóng để cán bộ nhân viên dưới quyền kịp thời thực thi; giám sát tiến độ công việc để phát hiện và đưa giải pháp điều chỉnh hiệu quả, tức thì trong quá trình thực hiện.
- Kỹ năng giao tiếp: Lãnh đạo cần có năng lực giao tiếp nhạy bén, lưu loát và thuyết phục người nghe; khả năng truyền tải vấn đề ngắn gọn, dễ hiểu, đầy đủ nội dung.
- Kỹ năng điều hành, quản lý: Lãnh đạo phòng cần có năng lực đánh giá, giám sát công việc chặt chẽ để không xảy ra sai sót, tối ưu nhân lực và tài lực, đảm bảo tiến độ công việc.
- Kỹ năng làm việc nhóm: Vị trí trưởng phòng/phó trưởng phòng cũng là một mắt xích vận hành trong tổ chức. Họ cần làm tấm gương trong việc phối hợp làm việc cùng tập thể, tích cực giúp tổ chức thực hiện mục tiêu chung, đoàn kết xây dựng cơ sở và hoàn thành các nhiệm vụ chung mà Đảng, Nhà nước, cấp trên giao phó.
5 Tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo quản lý cấp phòng
Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về tiêu chuẩn chung đối với công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước. Căn cứ theo đó, tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng như sau:
Về chính trị, tư tưởng
- Trung thành với lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; kiên định theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Có quan điểm, lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh và đường lối của Đảng, của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
- Có tinh thần yêu nước, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân.
- Chấp hành theo phân công của tổ chức, tuân thủ kỷ luật phát ngôn.
Về đạo đức, lối sống và ý thức tổ chức kỷ luật
- Trách nhiệm cao với công việc.
- Có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực; lối sống trung thực và khiêm tốn, giản dị; tố chất cần – kiệm – liêm – chính – chí công vô tư; không tham nhũng hay vụ lợi; không móc nối quan hệ để người thân, người quen lợi dụng chức vụ hòng trục lợi.
- Đoàn kết, gương mẫu, biết trọng dụng nhân tài, chăm lo đời sống vật chất – tinh thần cho cán bộ nhân viên, người lao động.
- Có tinh thần đấu tranh ngăn chặn các suy thoái đạo đức, chính trị, lối sống; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lối sống bè phái, cơ hội, lợi ích nhóm.
- Tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật, tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình; chấp hành các quy định, quy chế, nội quy của đơn vị; báo cáo trung thực, đầy đủ, thông tin chính xác, kịp thời tới cấp trên; thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định.
Về trình độ
- Bậc đào tạo: Tốt nghiệp bậc đại học trở lên chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực công tác.
- Trình độ lý luận chính trị: Có bằng tốt nghiệp trung cấp chính trị trở lên hoặc giấy xác nhận trình độ tương đương.
- Trình độ quản lý nhà nước: Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức & kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương trở lên.
- Ngôn ngữ thứ 2: Đạt trình độ ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm theo quy định.
Về năng lực, uy tín
- Có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các công tác chuyên môn.
- Có tư duy đổi mới, phương pháp làm việc khoa học; có năng lực phân tích, tổng hợp và dự báo.
- Nắm vững các nội dung về quản lý nhà nước và quy định pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực công tác; có khả năng phát hiện các bất cập trong quá trình thực hiện và đưa ra giải pháp tháo gỡ.
- Có thể triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và tổ chức đưa ra.
- Có khả năng quy tụ và phát huy triệt để sức mạnh tập thể, cá nhân; năng động, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; có sản phẩm cụ thể và thành tích nổi trội trong quá trình công tác phù hợp với tiêu chuẩn chức vụ, chức danh.
Sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm
- Có sức khỏe tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Đảm bảo độ tuổi bổ nhiệm; được quy hoạch vào chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm hoặc vị trí tương đương trở lên theo quy định.
- Có thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể trong quá trình thực hiện công tác; trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ bên ngoài thì phải đảm bảo có thành tích, kết quả, sản phẩm cụ thể phù hợp với tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo cấp phòng.
- Có kinh nghiệm thực tiễn và thời gian tham gia công tác phù hợp.
Trên đây là tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh công chức lãnh đạo, quản lý. Ngoài 5 tiêu chuẩn chung nêu trên, mỗi vị trí lãnh đạo cấp phòng sẽ có tiêu chuẩn riêng đối với từng chức vụ cụ thể được bổ nhiệm (chi tiết có thể tham khảo tại Nghị định 29/2024/NĐ-CP).
6 Điều kiện để bổ nhiệm lãnh đạo quản lý cấp phòng
Căn cứ Điều 42 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, điều kiện để bổ nhiệm công chức vào vị trí lãnh đạo, quản lý như sau:
- Đảm bảo các tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh và tiêu chuẩn cụ thể đối với chức vụ bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
- Phải được quy hoạch chức vụ bổ nhiệm nếu là nguồn nhân sự tại chỗ, được quy hoạch chức vụ tương đương nếu là nguồn nhân sự từ nơi khác. (Trường hợp tổ chức mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thì sẽ do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định).
- Có hồ sơ, lý lịch cá nhân đã được xác minh, có bản kê khai tài sản và thu nhập theo quy định.
- Người được đề nghị bổ nhiệm là lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo hoặc bổ nhiệm để giữ chức vụ lãnh đạo cao hơn, thì độ tuổi bổ nhiệm phải còn đủ 05 năm công tác kể từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm. Trường hợp đặc biệt khác phải báo cáo cho cấp có thẩm quyền xem xét và đưa quyết định.
- Người được bổ nhiệm làm lãnh đạo cấp phòng phải có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao.
- Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định pháp luật Việt Nam.
- Không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật và thời gian thực hiện các quy định về kỷ luật (được quy định tại Điều 82 Luật Cán bộ, công chức 2008 & sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức).
7 Quy định về số lượng lãnh đạo cấp phòng
Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng thuộc sở
Đối với cấp phòng thuộc sở thì mỗi phòng ban đều có 1 trưởng phòng; còn lại là cấp phó phòng. Cụ thể như sau:
Trường hợp được bố trí 01 Phó Trường phòng gồm:
- Phòng thuộc sở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức.
- Phòng thuộc sở cấp tỉnh loại 1 như: Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng (trực thuộc trung ương); Nam Định, Buôn Ma Thuột, Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Thái Nguyên… có dưới 9 biên chế công chức.
- Phòng thuộc sở cấp tỉnh loại II như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu… các sở cấp tỉnh loại III như Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam… có dưới 8 biên chế công chức.
Trường hợp phòng thuộc sở có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 Phó Trưởng phòng.
Quy định về bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng đơn vị sự nghiệp công lập
Mỗi phòng ban sẽ có 01 Trưởng phòng, còn lại phó trưởng phòng sẽ được quy định như sau:
- Số lượng cấp phó phòng được bố trí bình quân không quá ba người trên một đơn vị.
- Số lượng từ 07 đến 09 người làm việc là viên chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng.
- Số lượng người làm việc là viên chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng.
8 Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng
Căn cứ Hướng dẫn số 750/HD-SNV, tóm tắt quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng (cụ thể là chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc Sở) diễn ra như sau:
Đối với nhân sự tại chỗ
Bước 1: Thành lập hội nghị tập thể lãnh đạo phòng (lần 1)
- Thành phần tham gia: Tập thể lãnh đạo phòng (trường hợp chỉ có 01 người là lãnh đạo phòng thì cử thêm Bí thư, Phó Bí thư chi bộ.
- Nội dung: Thảo luận và đề xuất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự, kết quả hội nghị sẽ được ghi thành biên bản.
Bước 2: Lập hội nghị toàn thể công chức
- Thành phần: Toàn thể công chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ (nếu có), yêu cầu tối thiểu 2/3 số người được triệu tập có mặt.
- Nội dung: Thảo luận và thống nhất về cơ cấu, điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự lãnh đạo phòng bằng hình thức phiếu kín. Người đạt yêu cầu (đạt tỉ lệ >50% tính trên tổng số người được triệu tập) sẽ được chọn để giới thiệu cho bước tiếp theo. Kết quả kiểm phiếu sẽ được ghi thành biên bản và không công bố.
Bước 3: Lập hội nghị tập thể lãnh đạo phòng (lần 2)
- Thành phần: Gồm tập thể lãnh đạo phòng (như hội nghị tập thể lãnh đạo lần 1).
- Nội dung: Hội nghị dựa trên kết quả giới thiệu nhân sự ở Bước 2 để tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Người đạt số phiếu cao nhất (>50% tổng phiếu) sẽ được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm. Kết quả kiểm phiếu sẽ được ghi thành biên bản và công bố tại hội nghị.
Bước 4: Lấy ý kiến tham gia của Đảng ủy cơ sở cơ quan/Chi ủy cơ sở cơ quan
- Thành phần: Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ cơ sở cơ quan hoặc Ban Chấp hành chi bộ cơ sở cơ quan.
- Nội dung: Thảo luận, phân tích, xác minh lại kết quả các bước lấy phiếu, ra văn bản thông báo kết luận của Đảng ủy hoặc Chi ủy đối với nhân sự mới được giới thiệu bổ nhiệm.
Bước 5: Tổ chức hội nghị tập thể Lãnh đạo Sở để bỏ phiếu, ra quyết định cuối cùng
- Thành phần: Tập thể lãnh đạo gồm Giám đốc & các Phó Giám đốc Sở.
- Nội dung: Phân tích kết quả lấy phiếu ở các bước trên và đưa biểu quyết nhân sự bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu được ghi thành biên bản và công bố ngay tại Hội nghị. Cuối cùng, Giám đốc Sở sẽ ra Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng theo thẩm quyền.
Đối với nhân sự từ nơi khác
Bước 1: Thông báo cho các cấp nơi tiếp nhận
- Thông báo chủ trương và trao đổi lãnh đạo phòng, cấp ủy đảng/chi bộ nơi tiếp nhận công chức về để bổ nhiệm.
- Gặp mặt nhân sự được đề nghị bổ nhiệm để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ công tác.
- Thông báo chủ trương và trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo, cấp ủy đảng/chi bộ tại nơi người được đề nghị bổ nhiệm đang công tác về chủ trương điều động.
- Trưng cầu nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo, chi ủy hoặc chi bộ cùng cấp đối với nhân sự được điều động; nghiên cứu hồ sơ, xác minh lý lịch của đối tượng.
Bước 2: Lấy ý kiến tham gia của Đảng ủy cơ sở cơ quan/Chi ủy cơ sở cơ quan
- Thành phần: Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ cơ sở cơ quan hoặc BCH chi bộ cơ sở cơ quan.
- Nội dung: Thảo luận, phân tích, lấy ý kiến tham gia của Đảng ủy/Chi ủy. Ra văn bản thông báo kết luận của Đảng ủy/Chi ủy đối với nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm.
Bước 3: Tổ chức hội nghị tập thể Lãnh đạo Sở để bỏ phiếu, ra quyết định cuối cùng
- Thành phần tham gia: Tập thể lãnh đạo Sở gồm Giám đốc, các Phó Giám đốc Sở.
- Nội dung: Tập thể lãnh đạo thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng hình thức bỏ phiếu kín. Nhân sự được thông qua bổ nhiệm nếu đạt tỷ lệ bỏ phiếu >50% (trường hợp =50% thì do Giám đốc Sở ra quyết định). Cuối cùng, Giám đốc Sở ra Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng theo thẩm quyền.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết về lãnh đạo quản lý cấp phòng: khái niệm, chức năng, nhiệm vụ, điều kiện và quy trình bổ nhiệm. Mong rằng những thông tin này có thể giúp quý anh/chị hiểu rõ về vị trí quản lý cấp phòng trong bộ máy Nhà nước. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, đừng ngần ngại comment dưới bài viết để các chuyên viên của Liên Việt hỗ trợ giải đáp!