Ngạch văn thư lưu trữ gồm những gì? Quy định về mã ngạch, cách tính lương viên chức ngạch văn thư lưu trữ ra sao? Các thông tin về ngạch văn thư lưu trữ được quy định tại văn bản pháp luật nào? Mời quý học viên theo dõi nội dung bài viết của chúng tôi.
1 Phân loại ngạch viên chức văn thư lưu trữ
Ngạch văn thư lưu trữ là tên gọi thể hiện năng lực, trình độ chuyên môn của viên chức chuyên ngành lưu trữ trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sự quản lý của Nhà nước.
Tương tự như các ngạch viên chức khác, ngạch văn thư lưu trữ được phân chia thành từng mã ngạch văn thư lưu trữ. Cụ thể, mã ngạch văn thư lưu trữ được quy định tại Thông tư 07/2022/TT-BNV bao gồm:
- Lưu trữ viên chính (Mã V.01.02.01)
- Lưu trữ viên (Mã V.01.02.02)
- Lưu trữ viên trung cấp (Mã V.01.02.03)
Mỗi một chức danh ngạch văn thư lưu trữ sẽ có những nhiệm vụ, tiêu chuẩn về năng lực, trình độ riêng. Theo đó cách xếp lương, tính lương cho các ngạch này cũng khác nhau.
Phân loại ngạch viên chức văn thư lưu trữLàm việc trong ngạch văn thư lưu trữ đòi hỏi bạn phải nắm vững kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Bài viết “Nội dung của công tác lưu trữ” sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các khía cạnh chính của công tác lưu trữ, từ việc phân loại, sắp xếp, bảo quản tài liệu đến việc xây dựng hệ thống lưu trữ khoa học.
2 Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức văn thư lưu trữ
Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với các mã ngạch văn thư lưu trữ được quy định cụ thể tại Điều 4. Thông tư 07/2022. Cụ thể như sau:
- Viên chức văn thư lưu trữ phải trung thực, khách quan, có trách nhiệm, có thái độ khiêm tốn, đoàn kết và phối hợp hiệu quả với đồng nghiệp trong quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ.
- Nghiêm túc tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục khi thực hiện các quy trình nghiệp vụ lưu trữ.
- Giữ gìn, bảo mật thông tin tài liệu theo đúng quy định của pháp luật và của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Chủ động nghiên cứu và đề xuất ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, sáng kiến vào công tác lưu trữ.
Mỗi chức danh nghề nghiệp viên chức ngạch văn thư lưu trữ sẽ có những yêu cầu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ đào tạo, bồi dưỡng khác nhau.
Tiêu chuẩn lưu trữ viên chính – Mã số: V.01.02.01
Tốt nghiệp đại học trở lên ngành lưu trữ. Trường hợp tốt nghiệp đại học trở lên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp chuyên ngành văn thư lưu trữ.
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
- Thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành;
- Có hiểu biết sâu về nghiệp vụ lưu trữ; nắm vững lý luận, lịch sử và thực tiễn công tác lưu trữ ở Việt Nam và vận dụng chúng có hiệu quả trong lĩnh vực lưu trữ;
- Có khả năng quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức và thực hiện nghiệp vụ lưu trữ;
- Có khả năng tổ chức, hướng dẫn việc nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lưu trữ;
- Có kỹ năng xây dựng, soạn thảo, trình bày, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch, đề án, chương trình, dự án nghiệp vụ lưu trữ;
- Có năng lực sử dụng công nghệ thông tin, quản trị cơ sở dữ liệu, ngoại ngữ (tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ vùng dân tộc thiểu số) theo yêu cầu của vị trí công tác.
Tiêu chuẩn lưu trữ viên – Mã số: V.01.02.02
Tốt nghiệp đại học trở lên ngành lưu trữ. Trường hợp tốt nghiệp đại học trở lên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ văn thư lưu trữ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành lưu trữ.
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
- Chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc, đường lối của đảng, chính sách, quy định của Nhà nước và quy định của ngành;
- Nắm vững lý luận, lịch sử và thực tiễn công tác lưu trữ ở Việt Nam và vận dụng có hiệu quả vào lĩnh vực lưu trữ;
- Có khả năng quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức và thực hiện nghiệp vụ lưu trữ;
- Có kỹ năng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chuyên ngành và tổ chức thực hiện hồ sơ kế hoạch, đề án, chương trình, dự án;
- Có năng lực sử dụng công nghệ thông tin, quản trị cơ sở dữ liệu, ngoại ngữ (tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ vùng dân tộc thiểu số) theo yêu cầu của vị trí công tác.
Tiêu chuẩn lưu trữ viên trung cấp – Mã số: V.01.02.03
Tốt nghiệp trung cấp trở lên ngành lưu trữ. Trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp.
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
- Chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc, đường lối của đảng, chính sách, quy định của Nhà nước và quy định của ngành;
- Có kiến thức cơ bản về hoạt động lưu trữ và thực hiện đúng quy trình, thủ tục lập hồ sơ theo nhiệm vụ được giao;
- Thực hiện được các nguyên tắc và kỹ thuật lưu trữ hồ sơ lưu trữ;
- Sử dụng thành thạo các thiết bị văn phòng và các thiết bị khác cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.
Bạn đang muốn viết một bài tham luận về công tác văn thư, lưu trữ nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu? Cần những nội dung gì để bài viết trở nên đầy đủ và thuyết phục? Hãy đọc bài viết “Bài tham luận về công tác văn thư, lưu trữ” để tìm hiểu cách viết một bài tham luận hiệu quả, thu hút sự chú ý của người đọc.
3 Bổ nhiệm, xếp ngạch lương văn thư lưu trữ
Việc bổ nhiệm, xếp lương viên chức ngạch văn thư lưu trữ được quy định tại chương IV. Thông tư 07/2022 như sau:
Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương khi hết thời gian tập sự
Khi hết thời gian tập sự và đạt yêu cầu thì người tập sự được bổ nhiệm vào CDNN viên chức ngành lưu trữ theo quy định tại Điều 24 Nghị định 115/2020/NĐ-CP và được xếp lương theo Bảng 3 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
1/ Trường hợp bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên trung cấp
- Viên chức được bổ nhiệm CDNN Lưu trữ viên trung cấp có trình độ đào tạo trung cấp được xếp bậc 1 và hưởng hệ số lương 1,86 (Viên chức loại B);
- Viên chức được bổ nhiệm vào CDNN Lưu trữ viên trung cấp có trình độ đào tạo cao đẳng trở lên được xếp bậc 2 và hưởng hệ số lương 2,06 (Viên chức loại B).
2/ Trường hợp bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên
- Viên chức được bổ nhiệm vào CDNN Lưu trữ viên có trình độ đào tạo đại học được xếp bậc 1 và hưởng hệ số lương 2,34 (Viên chức loại A1);
- Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên có trình độ đào tạo thạc sỹ được xếp bậc 2 và hưởng hệ số lương 2,67 (Viên chức loại A1);
- Viên chức được bổ nhiệm vào CDNN Lưu trữ viên có trình độ đào tạo tiến sĩ được xếp bậc 3 và hưởng hệ số lương 3,00 (Viên chức loại A1).
Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương khi trúng tuyển kỳ thi hoặc xét thăng hạng
- Viên chức trúng tuyển kỳ thi/ xét thăng hạng CDNN được bổ nhiệm vào CDNN ngành lưu trữ trúng tuyển theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 115/2020.
- Việc xếp lương được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV.
Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành lưu trữ đối với các trường hợp khác
1/ Trường hợp khi tuyển dụng vào CDNN viên chức chuyên ngành lưu trữ đang là công chức, viên chức chuyên ngành khác:
- Trường hợp được bổ nhiệm vào CDNN viên chức chuyên ngành lưu trữ trong cùng loại viên chức theo Bảng lương 3 thì được chuyển xếp lương vào chức CDNN viên chức chuyên ngành lưu trữ theo khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT- BNV;
- Trường hợp có trình độ đào tạo cao đẳng, khi tuyển dụng đã được xếp lương công chức, viên chức loại A0, khi được tuyển dụng vào viên chức phải bổ nhiệm vào CDNN Lưu trữ viên trung cấp và thực hiện việc xếp lại lương như sau:
Căn cứ vào hệ số lương hiện hưởng ở loại A0 chuyển xếp vào bậc có hệ số lương cao hơn gần nhất của CDNN Lưu trữ viên trung cấp (viên chức loại B), thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày xếp hệ số lương hiện hưởng ở loại A0. Trường hợp có hệ số lương ở loại A0 lớn hơn hệ số lương cao nhất của viên chức loại B thì thực hiện xếp lương theo cách tính tại điểm c khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007.
2/ Trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức chuyên ngành lưu trữ (ngoài trường hợp quy định ở mục trên), được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo quy định của BHXH trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận được tính để làm căn cứ xếp lương theo CDNN phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận.
Việc xếp lương theo CDNN viên chức tương ứng với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận thực hiện như sau:
- Nếu được bổ nhiệm vào CDNN Lưu trữ viên trung cấp thì tính từ bậc 1 của viên chức loại B và bậc 2, cứ sau thời gian 02 năm được xếp lên 01 bậc lương. Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào bậc lương của CDNN Lưu trữ viên trung cấp được bổ nhiệm, nếu có số tháng chưa đủ 24 tháng thì số tháng này được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung;
- Nếu được bổ nhiệm vào CDNN Lưu trữ viên thì tính từ bậc 1 của viên chức loại A1, cứ sau thời gian 03 năm được xếp lên 01 bậc lương. Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào bậc lương của CDNN Lưu trữ viên được bổ nhiệm, nếu có số tháng chưa đủ 36 tháng thì số tháng này được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung;
- Nếu được bổ nhiệm vào CDNN Lưu trữ viên chính thì thực hiện việc xếp lương như sau: Tính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 TT 07/2022, nếu có hệ số lương bằng hoặc thấp hơn hệ số lương bậc 1 của CDNN Lưu trữ viên chính (viên chức loại A2 nhóm 2) thì xếp vào bậc 1 của Lưu trữ viên chính, nếu có hệ số lương cao hơn hệ số lương bậc 1 của CDNN Lưu trữ viên chính thì xếp vào bậc có hệ số lương cao hơn gần nhất của CDNN Lưu trữ viên chính, số tháng quy đổi chưa đủ 36 tháng đối được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung.
Trên đây là tất cả những thông tin mới nhất về ngạch văn thư lưu trữ và các tiêu chuẩn, cách xếp lương của viên chức ngạch này. Quý học viên có thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Chứng chỉ văn thư lưu trữ Đại học Nội vụ là minh chứng cho kiến thức chuyên môn và khả năng ứng dụng thực tiễn của bạn. Để hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo và cách thức đăng ký, hãy tham khảo bài viết “Chứng chỉ văn thư lưu trữ Đại học Nội vụ“. Bài viết sẽ giúp bạn đưa ra quyết định phù hợp để nâng cao năng lực và phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ. Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo các khóa học văn thư lưu trữ online của chúng tôi tại Liên Việt.