Viên chức là một trong những đối tượng lao động có số lượng lớn ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người chưa thật sự hiểu và phân biệt rõ ràng viên chức là ai. Tại bài viết này, Liên Việt Edu sẽ giải thích rõ khái niệm viên chức là gì và các thông tin liên quan đến việc thi tuyển viên chức. Mời cùng tìm hiểu!
1 Khái niệm về viên chức
Theo quy định tại Luật viên chức số 58/2010/QH12, viên chức được định nghĩa như sau:
“Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc trong các đơn vị công lập theo chế độ hợp đồng làm việc. Người làm viên chức được hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.
2 Phân loại viên chức
Căn cứ Nghị định 115/2020/NĐ-CP, viên chức được phân loại theo 2 hình thức, cụ thể như sau:
Theo chức trách, nhiệm vụ
- Viên chức quản lý: người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn nhất định, phải chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Người làm viên chức quản lý được hưởng thêm phụ cấp chức vụ quản lý.
- Viên chức không giữ chức vụ quản lý: là người chỉ thực hiện đúng chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp của mình tại đơn vị sự nghiệp công lập đang công tác.
Theo trình độ đào tạo
- Viên chức giữ CDNN có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ.
- Viên chức giữ CDNN có yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ.
- Viên chức giữ CDNN có yêu cầu trình độ đào tạo đại học.
- Viên chức giữ CDNN có yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng.
- Viên chức giữ CDNN có yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp.
Tham khảo bài viết: Giáo viên là công chức hay viên chức?
3 Hình thức tuyển dụng
Có 2 hình thức tuyển dụng viên chức đang được áp dụng hiện nay, đó là:
- Thi tuyển viên chức: là hình thức kiểm tra, đánh giá, sát hạch thông qua các bài thi nhằm chọn lọc những ứng viên có năng lực, trình độ, đáp ứng đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo vị trí việc làm để trở thành viên chức.
- Xét tuyển viên chức: là việc tổ chức sàng lọc hồ sơ, đánh giá và lựa chọn ứng viên xét tuyển. Việc xét tuyển căn cứ theo nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập (căn cứ theo Điều 23 Luật Viên chức năm 2010).
Việc quyết định hình thức và nội dung thi tuyển hay xét tuyển sẽ do đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức đưa ra trước mỗi kỳ tuyển dụng (Căn cứ Điều 4 nghị định 115/2020/NĐ-CP).
4 Điều kiện tuyển dụng viên chức
Căn cứ Căn cứ Điều 22 Luật Viên chức 2010, điều kiện để được tham gia thi tuyển/xét tuyển làm viên chức là:
- Người dự tuyển phải là công dân Việt Nam, đang sinh sống tại Việt Nam.
- Đối tượng đủ 18 tuổi trở lên hoặc từ 15 tuổi đối với một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao (cần có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật) theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.
- Người tham gia ứng tuyển có đơn đăng ký dự tuyển.
- Hồ sơ, lý lịch ứng viên rõ ràng.
- Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, hành nghề hoặc năng khiếu phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng.
- Đáp ứng yêu cầu sức khỏe để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo vị trí công việc.
- Đáp ứng những điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp, phải đảm bảo không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không vi phạm luật pháp và không phân biệt loại hình đào tạo.
5 Quy trình thi – xét tuyển viên chức
Quá trình thi và xét tuyển viên chức đều bao gồm 2 vòng, tuy nhiên sẽ có sự khác biệt trong quá trình tiến hành, cụ thể như sau:
Thi tuyển viên chức
- Vòng 1: Kiểm tra kiến thức chung của ứng viên. Bài thi kiến thức chung gồm 3 phần (kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học). Thí sinh có tổng điểm 3 phần thi đúng trên 50% số câu hỏi thì được tham gia tiếp vòng 2.
- Vòng 2: Ứng viên làm bài thi chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành. Căn cứ vào yêu cầu và tính chất của vị trí công việc cần tuyển dụng mà cơ quan có thẩm quyền sẽ lựa chọn 1 trong 3 hình thức thi (phỏng vấn/thực hành/thi viết).
Xét tuyển viên chức
- Vòng 1: Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký theo yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng, nếu thí sinh đáp ứng đủ các yêu cầu thì được tham dự vòng 2.
- Vòng 2: Tổ chức thi chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành như vòng 2 của hình thức thi tuyển (làm bài thi chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành).
Trên đây là tất cả thông tin giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc: viên chức là gì, phân loại ra sao, các điều kiện ứng tuyển và quá trình xét tuyển viên chức diễn ra thế nào. Chúc các bạn đang có mong muốn trở thành viên chức sớm thực hiện được ước mơ, xuất sắc vượt qua các vòng thi xét tuyển viên chức!