Chuyển hạng chức danh nghề nghiệp là một bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển sự nghiệp của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Nếu bạn đang quan tâm đến quy định, điều kiện, thủ tục chuyển hạng chức danh nghề nghiệp thì hãy cùng Liên Việt tìm hiểu chi tiết trong nội dung bài viết sau đây.
1 1. Định nghĩa chuyển hạng chức danh nghề nghiệp
Tại Điều 2 Nghị định 115/2020/NĐ-CP chuyển hạng chức danh nghề nghiệp là việc viên chức được bổ nhiệm vào một chức danh nghề nghiệp khác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đang đảm nhiệm.
Tại Điều 28 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một lĩnh vực có xếp hạng cụ thể từ cao xuống thấp như sau:
- Chức danh nghề nghiệp hạng I;
- Chức danh nghề nghiệp hạng II;
- Chức danh nghề nghiệp hạng III;
- Chức danh nghề nghiệp hạng IV;
- Chức danh nghề nghiệp hạng V.
2 2. Tiêu chuẩn, điều kiện chuyển hạng chức danh nghề nghiệp
Tại Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP, tiêu chuẩn, điều kiện xét chuyển hạng được áp dụng như sau:
- Ứng viên cần đạt xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm công tác liền kề trước năm dự thi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;
- Ứng viên phải có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt;
- Không nằm trong diện đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hay trong thời gian thực hiện những quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng, pháp luật;
- Là người có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm được chứng danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn;
- Có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ cũng như yêu cầu khác về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng (nếu có).
- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu khi đang ở chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề, trừ trường hợp xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà chức danh đó tại thời điểm xét không có hạng dưới liền kề theo quy định.
3 3. Chuyển hạng chức danh nghề nghiệp cần chuẩn bị những gì?
Việc chuyển hạng chức danh nghề nghiệp cần chuẩn bị những điều cơ bản sau:
3.1. Thành phần hồ sơ
Theo Điều 36 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thành phần hồ sơ bao gồm giấy tờ sau:
- Sơ yếu lý lịch viên chức theo quy định có xác nhận của cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức (lập chậm nhất là 30 ngày trước hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thi/xét thăng hạng)
- Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức hay của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập;
- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ dựa theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp xét thăng hạng được ban hành tại thời điểm đó.
- Các yêu cầu khác theo quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.
3.2. Thời hạn giải quyết
Thời hạn giải quyết hồ sơ là trước ngày thi hoặc xét thăng hạng ít nhất 15 ngày. Hội đồng thi hoặc xét thăng hạng sẽ gửi thông báo triệu tập thí sinh dự thi hoặc thông báo cụ thể về thời gian, địa điểm tổ chức ôn tập, địa điểm tổ chức thi cho các đối tượng đủ có đủ điều kiện dự thi/xét thăng hạng.
Trước ngày thi 01 ngày, Hội đồng thi sẽ tiến hành niêm yết danh sách các thí sinh theo số báo danh, phòng thi, sơ đồ vị trí các phòng thi hoặc xét, nội quy, hình thức, thời gian thi cụ thể.
3.3. Phí, lệ phí
Về phí, lệ phí thi xét thăng hạng được quy định rõ tại Thông tư số 92/2021/TT-BTC ngày 28/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:
- a) Thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với các viên chức hạng I:
- Dưới 50 thí sinh: 1.400.000 đồng/thí sinh/lần
- Từ 50 – 100 thí sinh: 1.300.000 đồng/thí sinh/lần
- Từ 100 thí sinh trở lên: 1.200.000 đồng/thí sinh/lần.
- b) Thăng hạng chức danh nghề nghiệp với viên chức hạng II, hạng III, hạng IV:
- Dưới 100 thí sinh: 700.000 đồng/thí sinh/lần
- Từ 100 – 500 thí sinh: 600.000 đồng/thí sinh/lần
- Từ 500 trở lên: 500.000 đồng/thí sinh/lần
- c) Chi phí phúc khảo 150.000 đồng/bài thi.
4 4. Quy trình chuyển hạng chức danh nghề nghiệp
Quá trình chuyển hạng chức danh nghề nghiệp thường được thực hiện theo một quy trình nhất định, bao gồm các bước cơ bản. Việc hiểu rõ quy trình sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc chuẩn bị và tham gia quá trình xét duyệt.
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký xét chuyển hạng tại cơ quan chức năng
Để nộp hồ sơ viên chức chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của đơn vị. Đồng thời nộp hồ sơ tại cơ quan, đơn vị mình đang công tác, thông thường là bộ phận quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, thông báo cho viên chức nếu có thiếu sót để bổ sung. Việc nộp hồ sơ đầy đủ, chính xác là bước quan trọng giúp quá trình xét duyệt diễn ra thuận lợi.
Bước 2: Tổ chức thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xem xét, đánh giá. Cơ quan tổ chức xét thăng hạng có thể là phòng/ban/cục/vụ/sở, tùy thuộc vào quy định cụ thể của từng đơn vị. Cơ quan này có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
Bước 3: Thành lập hội đồng tiến hành xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Việc thành lập hội đồng xét thăng hạng đảm bảo công bằng và minh bạch trong quá trình đánh giá. Cơ quan có thẩm quyền thành lập hội đồng xét thăng hạng theo quy định của pháp luật. Hội đồng bao gồm các thành viên có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm có thể là lãnh đạo, chuyên viên, chuyên gia trong lĩnh vực liên quan.
Tại khoản 11 – Điều 1 – Nghị định số 161/2018/NĐ-CP có quy định rõ Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bao gồm có 05 hoặc 07 thành viên, gồm:
- Chủ tịch Hội đồng: Có thể là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu tại các cơ quan quản lý công chức.
- Phó Chủ tịch Hội đồng: Là người đứng đầu bộ phận tham mưu công tác tổ chức cán bộ thuộc cơ quan quản lý công chức.
- Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng: Công chức của bộ phận tham mưu công tác tổ chức cán bộ thuộc cơ quan quản lý công chức.
- Các ủy viên khác: Là những đại diện của một số bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến vị trí tuyển dụng.
Hội đồng này có vai trò kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn, chứng chỉ, văn bằng của các viên chức. Tiến hành sát hạch trình độ hiểu biết chung, năng lực chuyên môn, chuyên nghiệp,…
Bước 4: Xác định viên chức trúng tuyển
Hội đồng xét thăng hạng sẽ đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn, điều kiện đã quy định để đánh giá hồ sơ của từng viên chức. Sau đó đưa ra kết luận về việc có chấp nhận chuyển hạng hay không. Kết quả được ghi nhận trong biên bản của hội đồng.
Bước 5: Bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp mới được chuyển hạng của viên chức
Trong 15 ngày kể từ ngày có danh sách viên chức trúng tuyển tại kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành bổ nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp mới đối với những trường hợp viên chức trúng tuyển theo quy định
Quyết định này dựa trên kết quả của Hội đồng xét thăng hạng. Viên chức được chuyển hạng sẽ được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với chức danh nghề nghiệp mới. Viên chức nhận quyết định bổ nhiệm và hưởng các chế độ, chính sách mới.
Chuyển hạng chức danh nghề nghiệp yêu cầu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm vững quy định, trau dồi năng lực, và làm hồ sơ chính xác. Hy vọng rằng những thông tin mà Liên Việt cung cấp trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quy trình chuyển hạng chức danh nghề nghiệp và tự tin hơn trong việc chinh phục thử thách này.